Mở đầu cho cách thức “đề bạt” này là Sở Công thương, tiếp đến là Sở Tư pháp và gần đây là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy.

Nếu xét quá trình hoàn thiện các quy trình cho một cơ chế vận hành, cái ra đời sau bao giờ cũng có nhiều ưu điểm hơn cái ra đời trước. Đơn giản như một sản phẩm dân dụng nào đó cũng vậy. Để phục vụ cho một công việc, một chức năng… cái ra đời sau phải có nhiều ưu điểm hơn cái ra đời trước: dễ sử dụng hơn, nhanh hơn, chi phí tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, bền hơn...

Thi chức danh phó giám đốc, giám đốc… là chưa có tiền lệ ở tỉnh từ trước đến nay mà mới triển khai thực hiện gần đây. Các chức danh nói trên thực hiện một nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc thực hiện một nhiệm vụ nào đó mà Đảng hoặc Nhà nước giao trọng trách (nhiệm vụ sự nghiệp), tức là nó liên quan đến nhiều vấn đề chứ không phải đơn thuần là thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn, cho nên có những bước đi thận trọng là điều cần thiết. Nhưng nếu quá thận trọng, thì có thể nó là bước cản cho sự phát triển.

Thi tuyển, theo tôi nó có những lợi ích và ưu điểm về công khai minh bạch, triệt tiêu được một “tệ nạn xấu” là nạn chạy chức, chạy quyền. Một khi đã chạy thì khó có thể gọi là động cơ tốt rồi. Vì sao phải chạy chức? Vì có chức tức là có quyền. Quyền lực nếu không được kiểm soát tốt dễ dẫn đến lạm quyền để sinh ra lợi ích cá nhân (điều này rất dễ nhận thấy trong thực tế). Nói ngắn gọn là có một dạng người “chạy chức” là vì lợi ích kinh tế. Nói như thế cũng chưa bao quát hết vấn đề, nghĩa là không phải ai cũng mong muốn có một chức vị nào đó đều vì lợi ích kinh tế. Có người có thể rơi vào trường hợp thứ hai đó là “cho oai” (trường hợp này có thể nói là danh hão). Theo một logic thông thường, người đã chạy, tức là phải bỏ ra một chi phí nào đó, họ sẽ tìm cách lấy lại. Khi tổ chức thi, tức là công khai, minh bạch thì không thể chạy được hoặc khó chạy được.

Ưu điểm thứ hai, thi là một phương thức để tìm kiếm người tài (nếu không xuất chúng thì cũng tìm được những người có năng lực tốt nhất gánh vác một công việc nào đó). Họ đã thi, thi đỗ, tức là “giấy trắng mực đen” ghi nhận năng lực của họ. Vì vậy họ không việc gì phải dựa dẫm sự ủng hộ của người này, người kia. Ở đây, người viết bài này nhận thấy nó khác hẳn với phương thức bổ nhiệm. Bổ nhiệm thì phải qua nhiều bước. Mỗi bước đều lấy phiếu tín nhiệm. Trong thực tế, vì cần những lá phiếu tín nhiệm nên có không ít người trong quá trình “phấn đấu” thường hay tìm mọi cách lấy lòng người khác. Có khi nhận thấy một người nào đó, một công việc nào đó làm như vậy là không tốt, nhưng vì “lá phiếu” (có thể trong tương lai) mà họ không dám nói lên chính kiến của mình. Nếu có nhiều người như vậy thì sẽ không bao giờ tốt để một tổ chức phát triển. Thậm chí nó triệt tiêu đấu tranh phát triển, mà điều này chính là động lực cốt lõi cho mọi sự phát triển. Phương thức thi tuyển cũng thể hiện uy tín của tổ chức lẫn người thi.

Việc còn lại là phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng, giúp đỡ để người “trúng tuyển” làm việc tốt hơn. Và cũng rất dễ kiểm chứng người này làm việc tốt hay không qua hiệu quả công việc. Nói gì thì nói, Đảng phải lãnh đạo toàn diện. Vai trò lãnh đạo của Đảng là độc tôn, duy nhất. Thi tuyển là một phương thức để lựa chọn cán bộ lãnh đạo nhưng chỉ mới là sự bắt đầu của một quy trình của công tác cán bộ. Cán bộ lãnh đạo nào làm tốt sẽ được sử dụng, khen ngợi, thậm chí là tôn vinh, nhưng không tốt thì cần phải được xem xét để thay thế.

Lê Phương