24/24
Dưới cái nắng oi bức giữa trưa hè, anh em trong đội quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (gọi tắt Công ty LN Tiền Phong) không rời các chòi canh. Đối với những người canh rừng, từ tháng 5 đến tháng 8 là thời điểm cực nhọc nhất. Những ngày này, anh Hoàng Chí Linh, Trưởng phòng QLBVR, Công ty LN Tiền Phong vẫn thường xuyên rong ruổi các chốt, chòi canh để quan sát và nắm tình hình; đồng thời, đôn đốc, nhắc nhở anh em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không lơ là, chủ quan trước mọi tình huống.

Diễn tập PCCCR

 
Trong hơn 5.000 ha rừng do đơn vị quản lý, có chừng 2.000 ha rừng thông, loại đối tượng dễ gây cháy và phân bố phức tạp, tiếp giáp trong khu vực dân cư, lăng mộ, nên công tác quản lý, PCCCR luôn được công ty quán triệt thực hiện nghiêm túc. Để phục vụ công tác PCCCR hiệu quả, đơn vị thành lập Ban PCCCR với lực lượng bảo vệ rừng gần 50 người gồm cán bộ công ty và lực lượng hợp đồng theo thời điểm. Đơn vị còn hợp đồng với những vệ tinh “tai mắt”, phối kết hợp với người dân sống gần rừng để sẵn sàng huy động khi sự cố xảy ra. Ông Mai Văn Tâm, Trưởng phòng QLBVR - Chi cục Kiểm lâm cho rằng, quan trọng nhất là việc phòng, phát hiện nhanh và thông tin ban đầu kịp thời. Với điều kiện địa hình rừng phức tạp và phương tiện, dụng cụ chữa cháy còn thô sơ thì việc xử lý khi lửa đã cháy lan sẽ rất khó khăn.
Những ngày này, từ các chủ rừng đến nhân viên các công ty trồng rừng, ban quản lý rừng phòng hộ trên khắp địa bàn... đều phải bám rừng 24/24 giờ. Nguyên nhân gây cháy không thể lường trước, thời điểm phát cháy cũng bất định, nên phải xác định tư tưởng cho anh em cán bộ luôn ở tư thế sẵn sàng chữa cháy. Ngoài đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, “4 sẵn sàng”, các chủ rừng còn thực hiện phương châm “3 trọng điểm”: ngày trọng điểm, giờ trọng điểm và khu vực trọng điểm.
Cơ chế phối hợp chặt chẽ
Những năm qua, diện tích rừng của Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Nam Hòa chưa có vụ cháy lớn nào xảy ra. Ông Phan Văn Nam, Giám đốc Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Nam Hòa cho biết, đơn vị đã xác định trọng tâm, trọng điểm, bố trí sẵn sàng dụng cụ, phương tiện chữa cháy, thông tin liên lạc và đặc biệt là đảm bảo quân số trực gác, quân số huy động chữa cháy với trên 50 người hợp đồng bên ngoài và 30 người trong công ty. Ông Phan Văn Nam cũng chia sẻ: “Chúng tôi cũng quan tâm đến chế độ bồi dưỡng thỏa đáng cho những người tham gia chữa cháy để nếu xảy ra cháy rừng lần sau thì dễ dàng huy động nhân lực.
Các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cháy lớn trên địa bàn được xác định gồm 8 vùng: Bắc đèo Hải Vân; lâm phận khu vực Xuân Lộc (Phú Lộc); Tây Nam Phú Bài; phía Tây Nam T.P Huế; lâm phận các xã vùng núi của huyện Phong Điền; các điểm xung yếu dọc tuyến QL49, QL14; khu vực Sơn Thọ (thị xã Hương Trà); khu vực đèo La Hy (Hương Phú), A Kỳ (Thượng Long) của Nam Đông.
Mặc dù sự tăng trưởng nhanh chóng về diện tích và quy mô rừng trồng đang tạo áp lực rất lớn đến quản lý bảo vệ rừng - PCCCR, song nhờ lực lượng bảo vệ rừng bám sát hiện trường, đảm bảo chế độ trực gác, chế độ thông tin liên lạc thông suốt, tổ chức dập lửa ngay từ khi đám cháy còn nhỏ, nên nhiều vụ cháy lau lách đã được ngăn chặn từ vòng ngoài, không gây cháy lan vào rừng. Việc kiểm soát xử lý thực bì cũng được tuyên truyền, hướng dẫn và có chế độ giám sát đặc biệt khi đốt nên hiểm họa cháy rừng do nguyên nhân này giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra cháy 6 vụ. Lực lượng tại chỗ đã phát hiện và cứu chữa kịp thời; đồng thời, đơn vị kiểm lâm có sự phối hợp giữa các lực lượng chữa cháy nên hầu hết các vụ cháy đều được khống chế, có 2 vụ cháy bị thiệt hại rừng với diện tích khoảng 0,5 ha rừng thông và rừng trồng keo. Năm 2013, số vụ cháy rừng giảm 50%, diện tích rừng bị cháy giảm 55,24 ha, diện tích bị thiệt hại giảm 56,08 ha so với năm 2012.
Theo ông Mai Văn Tâm, năm nay, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các chủ rừng, huyện, thị xã phải xây dựng sơ đồ tác chiến PCCCR. Sơ đồ phải thể hiện rõ đường giao thông đi chữa cháy và cần sử dụng phương tiện gì, mất thời gian bao lâu để tiếp cận đến điểm cháy, đồng thời phải xác định các địa điểm cụ thể để lấy nước chữa cháy. Mỗi đơn vị chủ rừng phải khảo sát tuyến đường, bấm máy định vị địa điểm và chuẩn bị sẵn biển chỉ dẫn đường để hỗ trợ cho lực lượng nhanh chóng tiếp cận khu vực cháy. Chi cục cũng chỉ đạo sát lực lượng ứng cứu tại chỗ và lực lượng huy động từ các đơn vị của địa phương, công an, bộ đội, y tế... tùy diễn biến cháy rừng. Thường các năm trước có danh sách thành lập tổ, đội. Năm nay, để quản lý chặt chẽ, danh sách này được đưa về tận thôn, tổ với tên tuổi, số điện thoại cụ thể.
Bài, ảnh: Hoài Thương