Hướng dẫn thanh toán kỹ thuật số được giới thiệu tại một cửa hàng ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Getty Images
"Đó là một cuộc đua về siêu ứng dụng đang diễn ra trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)", ông Varun Mittal, người đứng đầu mảng công nghệ tài chính (fintech) tại các thị trường mới nổi toàn cầu của Công ty tư vấn EY nhận định.
Một siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ từ một ứng dụng di động, chẳng hạn như cho phép họ thực hiện các giao dịch tài chính và đặt hàng thực phẩm hoặc gọi xe.
Để thành công, các nhà cung cấp phải tập trung vào việc xây dựng niềm tin và cho thấy những gì họ cung cấp sẽ cải thiện sinh kế thông qua việc kết nối những người ít được tiếp cận công nghệ với nền kinh tế rộng lớn hơn.
Theo một nghiên cứu được Google và cơ quan Temasek Holdings, thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore công bố hồi tháng 11 năm ngoái, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt ngưỡng 240 tỷ USD đến năm 2025. Báo cáo cho rằng, khi Internet di động có giá cả phải chăng hơn, nó sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng trong các lĩnh vực như gọi xe và thương mại điện tử.
Đáng chú ý, lĩnh vực gọi xe đang phát triển mạnh trong khu vực, dẫn đầu là các công ty như Go-Jek của Indonesia và Grab của Singapore. Hồi tuần trước, đơn vị tài chính của Grab cho biết, họ đang triển khai một số dịch vụ tài chính trên toàn khu vực. Chúng bao gồm một hệ thống thanh toán trực tuyến cho phép người bán chấp nhận dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Grab, là GrabPay.
LÊ THẢO
(Lược dịch từ CNBC)