Bà Thảo và ông Vũ sau phiên tòa ngày 27/3. Ảnh: Thanh niên

Nhưng những diễn biến, tình tiết đáng chú ý, đặc biệt là câu hỏi: Tiền nhiều để làm gì, của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chắc chắn sẽ là dấu hỏi lớn, không chỉ cho thời điểm hiện tại, với những con người có liên quan. Thậm chí, cộng đồng mạng còn ghép ảnh, chế câu trả lời của phật tử Chùa Ba Vàng -Phạm Thị Yến cho câu hỏi từng dậy sóng ấy rằng: Tiền nhiều “để đi giải nghiệp chứ làm gì!”.

Sự ghép ảnh, chế lời thoại châm biếm, mai mỉa về bê bối giải “oan gia trái chủ” tại Chùa Ba Vàng với câu hỏi cũng như lời tâm sự cay đắng tại tòa của ông chủ cà phê Trung Nguyên thoạt nghe không có sự liên quan, nhưng ẩn sâu ở một khía cạnh nào đó, thấy cũng có lý lẽ sâu xa.

Thực tế, khi đã kết hôn, không ai mong muốn sự đổ vỡ, chia lìa, phân ly, đường ai nấy đi. Cặp đôi nào cũng mong đạt tới những giá trị đích thực của hôn nhân, đó là cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm, thấu hiểu, sẻ chia, thông cảm. Bởi mỗi gia đình là một tế bào xã hội. Tế bào mạnh, xã hội sẽ yên lành, phát triển.

Trong khi đó, đạo Phật với triết lý từ, bi, hỷ, xả, khuyến khích con người hướng thiện, có tác dụng hoàn thiện nhân cách, đạo đức con người. Với vụ bê bối tại Chùa Ba Vàng, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - có nhắc lại học thuyết của Phật giáo về duyên, nghiệp và chuyển nghiệp. Theo đó, không hề có chuyện thỉnh, giải “oan gia trái chủ” như chùa Ba Vàng thực hiện…

Khi những giá trị đích thực, cốt lõi bị lung lay, thậm chí đổ vỡ, cũng là lúc cần thiết phải nhìn nhận lại, có những điều chỉnh hợp lý, không chỉ với những người trong cuộc. Sự nhìn lại ấy phải thật bình tâm, thấu đáo, phân tích có cơ sở, thấu tình đạt lý, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp để khắc phục, chỉnh sửa một cách cầu thị, nghiêm túc, cẩn trọng, hướng tới xây dựng những điều tốt đẹp hơn, để bảo vệ nền tảng những giá trị đích thực, cốt lõi với mỗi người, mỗi gia đình, cũng như toàn xã hội.

Tuấn Minh