Trước tầm quan trọng của rừng, ASEAN cần thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Ảnh: WWF
Vai trò của rừng
Theo ước tính của Liên Hiệp quốc (UN), hiện 1/3 diện tích đất của Trái đất được bao phủ bởi rừng. Đồng thời, khoảng 1,6 tỷ người – bao gồm hơn 2.000 nền văn hóa bản địa sẽ phụ thuộc vào rừng để kiếm sống. Rừng cũng là nguồn cung lương thực, nhiên liệu, nơi trú ẩn, quần áo và thuốc men cho rất nhiều người. Từ thời xa xưa, con người đã phụ thuộc rất nhiều vào rừng và vai trò của rừng trong việc giữ gìn không khí, đất và nước sạch sẽ là không thể chối bỏ.
Để ghi nhận vai trò sinh thái, văn hóa và kinh tế độc đáo của rừng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 21/3 hằng năm làm Ngày quốc tế về rừng. Được tổ chức hằng năm từ năm 2013, ngày quốc tế về rừng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của con người về hệ thống sinh thái đa dạng sinh học lớn nhất trên đất liền, nơi sinh sống của hơn 80% các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn.
Cụ thể, rừng bảo vệ hành tinh khỏi các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi cây cối loại bỏ carbon dioxit trong không khí, hấp thụ carbon và giải phóng oxy vào khí quyển.
Không thể không kể đến, rừng góp công rất lớn trong công tác ngăn chặn, hoặc giảm nguy cơ xảy ra thảm họa tự nhiên như lũ lụt và lở đất. Giải thích về vai trò này, cây xanh ngăn chặn lũ lụt bằng cách tăng sự hấp thụ nước vào lòng đất, cùng lúc ngăn chặn tối đa nguy cơ lở đất thông qua sự liên kết bền chặt giữa đất và rễ cây. Từ đó cũng ngăn xói mòn đất...
Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích của rừng, nạn phá rừng toàn cầu vẫn là vấn đề nhức nhối và cấp bách khi ước tính có khoảng 13 triệu ha đất rừng bị phá hủy mỗi năm. Thêm vào đó, nạn phá rừng cũng chiếm 12% - 20% nguyên nhân làm tăng lượng khí thải nhà kính (GHG), một trong số những tác nhân của biến đổi khí hậu.
Rừng ở ASEAN và kế hoạch hành động
Mặc dù Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, song Trung tâm ASEAN về Đa dạng sinh học (ACB) lưu ý rằng, 200 triệu ha đất rừng vẫn là một trong những tài sản quý giá của khu vực và đây cũng là nguồn thu chính của hàng triệu công dân ASEAN sinh sống phụ thuộc vào lâm sản. Điều này được chứng minh khi rừng là nguồn cung củi đốt, nguyên liệu gỗ, là nguồn cung dược liệu và nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, rừng thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản, gỗ, sợi, giấy... phát triển mạnh mẽ.
Về kế hoạch hành động, ở cấp độ khu vực, Chiến lược hợp tác Lâm nghiệp ASEAN (2016-2025) nổi bật về lập trường khẳng định cần tăng cường số lượng và chất lượng sản xuất với công nghệ xanh và hệ thống quản lý tài nguyên rừng bền vững.
Về phía doanh nghiệp, các công ty nước và thủy điện có thể thu phí của khách hàng thông qua các khoảng phí kê trong hóa đơn để tạo ra thu nhập chi trả cho các nhà quản lý rừng. Chính phủ cũng có thể hợp pháp hóa các cơ chế tài chính coi trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên như cây xanh.
Ấn định giá carbon thải ra cũng có thể được xem là cách tốt nhất để bảo vệ rừng do các chương trình định hướng thị trường thường có khả năng đưa ra cách tiếp cận tốt nhất.
Một giải pháp khả thi hơn là triển khai công tác quản lý rừng một cách nghiêm túc, cẩn thận. Tại mỗi khu vực rừng bị chặt phá, cần nhanh chóng trồng cây non để thay thế các cây già bị đốn bỏ....
Các chuyên gia nhận định, cần tăng cường các cách tiếp cận chung của ASEAN nhằm mục tiêu thúc đẩy quản lý rừng bền vững. Có thể nói, đây là mục tiêu chính mà các chính phủ, công ty, tổ chức và cá nhân trong khu vực Đông Nam Á cần nỗ lực để đạt được.
HẠNH NHI
(Lược dịch từ The ASEAN Post & Global Warming)