Từ trồng trọt cho đến chăn nuôi

Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh cho người dân

Một trong những cây trồng sau khi ứng dụng công nghệ mang lại nguồn thu nhập cao là mô hình trồng hoa. Trong đó, hoa lan Mokara cắt cành được áp dụng tại xã Phú Mậu (Phú Vang) là một điểm nhấn. Gia đình ông Lê Văn Lự, xã Phú Mậu là hộ đi tiên phong trong phong trào trồng hoa lan Mokara cắt cành. Để cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, ông xây dựng hệ thống nhà lưới và áp dụng hệ thống tưới phun đa năng (công trình khoa học của giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế).

Ông Lự cho hay, hệ thống tưới phun đa năng này gồm 1 cảm biến đo nhiệt độ và 1 cảm biến đo độ ẩm của đất được cài đặt tại nhà màng trồng hoa. Hệ điều khiển được lập trình trên PLC-S7-1200 hiện đại, hệ thống các đường dẫn nước và tưới phun sương hạt mịn từ giếng nước đến tận vườn hoa. Khi các cảm biến cho thông số độ ẩm của đất hoặc nhiệt độ không khí tại nhà màng báo hiệu cần nước, tín hiệu này sẽ đưa đến hộp điều khiển PLC. Tại đây, các chức năng sẽ được điều khiển tự động để nhận nước và đưa nước tới tận vườn hoa. Hệ thống tưới phun sương sẽ tự động tưới phun theo các vòi phun lắp đặt và sẽ tự ngừng trong đúng 5 phút, khi cảm biến báo độ ẩm hoặc nhiệt độ đạt yêu cầu.
Rau an toàn cũng đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết trong xã hội. Sản xuất rau ở tỉnh ta đang gặp phải một số khó khăn do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, kỹ thuật lạc hậu, chưa ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến do đó năng suất chưa cao, chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Quy trình canh tác lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên trong rau chứa một hàm lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Nhận thức được điều này, nhiều dự án sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap được áp dụng; trong đó, phải kể đến hiệu quả từ việc xây dựng mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học để sản xuất rau an toàn theo hướng Vietgap tại 2 HTX Kim Thành (xã Quảng Thành) và HTX Quảng Thọ 2 (xã Quảng Thọ) của huyện Quảng Điền.
Chăn nuôi thân thiện với môi trường cũng đang trở thành một phong trào sâu rộng trong nông dân. Trong đó, hiệu quả của mô hình chăn nuôi lợn, gà sử dụng đệm lót sinh học (mùn cưa, trấu, men sinh học) đang ngày càng được khẳng định...
Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho nông dân

Vớt bèo tây sản xuất phân vi sinh

 
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa, Trưởng khoa Nông học, Trường đại học Nông lâm Huế: Công nghệ tế bào, công nghệ chuyển gen góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới mang nhiều đặc tính ưu việt như độ đồng đều cao, tăng khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Các giảng viên và sinh viên của trường có những đề tài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và khảo nghiệm tính thích nghi của các giống lúa kháng rầy nâu cao để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều mô hình được ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả: thâm canh lúa nước, lúa sạ, sắn công nghiệp, rau chất lượng cao, mô hình sản xuất các giống lạc mới, lúa mới, trong vụ Đông xuân, Hè thu và lạc vụ Thu đông...
Công nghệ vi sinh cũng có những ứng dụng quan trọng như: sản xuất các chế phẩm vi sinh thân thiện hơn với môi trường thay thế các loại phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật đang được sử dụng. Năm 2013, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ triển khai dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Micromic-3 để xử lý bèo tây, rơm rạ, rác thải và các phụ, phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ sinh học tại Thừa Thiên Huế”. Trung tâm tiến hành tập huấn 6 lớp tại 6 huyện, thị, thành phố; cung cấp nguyên vật liệu xây dựng mô hình xử lý bèo tây, rơm rạ thành phân hữu cơ sinh học tại các hộ dân ở 5 huyện, thị; xây dựng xong 6 bể ủ phân (300m³) và 500m² nhà xưởng sản xuất phân hữu cơ sinh học tại Phú Đa (Phú Vang). Kết quả mà dự án này mang lại góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân.
Với mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, cải thiện chất lượng và tiết kiệm nhân công, các sáng chế về máy móc nông nghiệp cũng như thiết bị điện tử phụ trợ đã ra đời và áp dụng rộng rãi vào đời sống. Đặc biệt là các máy móc, thiết bị phục vụ khâu làm đất, thu hoạch, tưới tiêu (tự động hóa)…Hiện nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng các hệ thống tưới hiện đại như: hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển tự động bằng cảm biến độ ẩm đất mang lại nhiều tiện ích. Trong đó, phải kể đến hệ thống tưới phun đa năng cung cấp nước phù hợp theo yêu cầu của cây trồng và không gây xói mòn, rửa trôi bề mặt đất như các biện pháp tưới thông thường. Áp dụng các biện pháp tưới này còn có thể chủ động đưa được nguồn phân bón hòa vào nước tưới cung cấp cho cây trồng. Từ đó, tiết kiệm được phân bón, cung cấp phân bón đúng theo yêu cầu của cây trồng và không gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Châu Quang Phi, Phó Giám đốc trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh: Hằng năm, Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều mô hình, dự án chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đến nông dân. Kết quả chuyển giao được thể hiện rõ trong từng lĩnh vực cụ thể. Ở lĩnh vực trồng trọt, thay thế giống lúa dài ngày bằng các loại lúa ngắn ngày có khả năng kháng rầy, kháng bệnh tốt, tăng hiệu quả sản xuất. Chuyển một số diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản. Trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ thức ăn, làm đệm lót sinh học tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm. Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ di truyền...
Bài, ảnh: Hoàng Loan