Hậu phương vững chắc

Chị Trương Thị Mơ chăm sóc con

Chúng tôi tìm đến nhà chị Trương Thị Mơ (40 tuổi, thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang). Trò chuyện với chúng tôi, chị Mơ cho biết: “Chồng tui ra khơi được hơn một tuần. Mỗi chuyến ra khơi thường kéo dài từ khoảng 20 ngày đến một tháng. Sau đó về nhà nghỉ ngơi độ một tuần rồi lại khăn gói lên đường ra biển cả”.

Căn nhà khang trang và 3 đứa con chăm ngoan là thành quả rất đáng tự hào của vợ chồng chị. Nhưng với chị Mơ, điều tự hào nhất chính là việc chồng chị kiên trì bám ngư trường Hoàng Sa để đánh bắt. Chị chia sẻ: “Để chồng yên tâm đánh bắt thì mình phải làm tròn bổn phận của người vợ. Chu toàn mọi việc, từ chăm sóc ông bà, con cái đến việc nhỏ nhất trong gia đình. Khi hay tin vùng biển nước mình bị Trung Quốc xâm phạm, cũng lo cho anh Liền lắm. Nhưng không vì thế làm cho chồng phải suy nghĩ. Anh đi biển, mình ở nhà phải làm tốt hơn nữa bổn phận của người vợ để làm hậu phương vững chắc cho chồng vươn khơi. Có chồng đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa cũng là góp phần vào việc khẳng định chủ quyền vùng biển của đất nước, thấy thế tui cũng có một chút tự hào”.
Chính những lời động viên khích lệ của vợ và sự chăm ngoan của những đứa con là động lực không nhỏ cho anh Liền bám biển. Chị kể: “Trước đây trong khi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì tàu của chồng tui bị tàu cá của Trung Quốc rượt đuổi, cắt lưới. Trở về anh buồn thiu, tui liền động viên chia sẻ với chồng. Nhìn 3 đứa con ở nhà chăm ngoan học giỏi anh lại yên tâm. Sau đó được Nhà nước hỗ trợ và Chi hội Nghề cá địa phương giúp đỡ, vợ chồng sửa chữa, nâng cấp lại tàu hết gần 700 triệu rồi tiếp tục đánh bắt”.
Quyết tâm bám biển
Tàu vừa cập cảng, chị Nguyễn Thị Hương (37 tuổi, thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An) vội vàng lấy những chiếc sọt để phụ giúp chồng chuyển cá lên bờ. Chiếc tàu công suất 550CV mang số hiệu 95032-TTH của anh Ngô Đoàn (37 tuổi)- chồng chị làm chủ trở về sau hơn 1 tuần đánh bắt xa bờ đầy ắp tôm cá. Chuyến đánh bắt này ngắn ngày hơn thường lệ chỉ vì… trúng đậm. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hương không giấu vui mừng: “Nhờ tiết trời thuận lợi và kiên trì bám biển nên những chuyến đánh bắt gần đây đều có lãi. Sau chuyến này, tui lại chuẩn bị tư trang, thức ăn, nước uống... cho chồng tiếp tục ra khơi chuyến tiếp theo”.
Khi được hỏi về những hành động ngang ngược gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông có khiến cho chị lo lắng cho chồng, chị nói: “Những hành động của Trung Quốc là vi phạm pháp luật. Mình không vi phạm pháp luật thì việc chi phải sợ. Trong lúc anh lênh đênh trên biển, tui ở nhà chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa làm hậu phương vững chắc cho chồng”. Nhìn vợ, anh Đoàn nhoẻn miệng cười rồi tiếp lời: “Nếu vì Trung Quốc mà sợ không ra khơi đánh bắt thì mình tự đánh mất vùng biển của mình. Như thế có lỗi với ông bà, tổ tiên. Cái nghề này của tổ tiên để lại, nuôi sống gia đình tụi tui từ bao đời. Chính lúc này mình càng phải quyết tâm bám biển hơn nữa, đặc biệt là bám vào ngư trường Hoàng Sa để khai thác và góp phần khẳng định vùng biển này là của chúng ta”.
Không chỉ chị Mơ, chị Hương mà tất cả những người vợ có chồng đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa đều cùng chung suy nghĩ. Động viên chồng dẫu có khó khăn thế nào thì cũng phải kiên trì bám biển, bám vào cái nghề mà tổ tiên để lại, góp một phần khẳng định chủ quyền đất nước.
Lê Thọ