Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với người dân thuộc diện di dời ở khu vực Thượng thành
Khó khăn nhất là giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, dân trí từng bước được nâng cao. Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Môi trường hoạt động văn hóa ngày càng phát triển ổn định, lành mạnh. Các kỳ Festival Huế được tổ chức thành công góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa rộng rãi với công chúng và bạn bè trong, ngoài nước, nâng cao vị thế của văn hóa Huế. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở ngày càng được củng cố và phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, cảnh quan đô thị được nâng cấp, chỉnh trang tạo nên diện mạo mới cho đô thị ở Thừa Thiên Huế…
Tuy vậy, hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật chưa tương xứng với truyền thống của vùng văn hóa Huế và yêu cầu của một trung tâm văn hóa lớn. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ở một số lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ. Do khó khăn về nguồn kinh phí, các công trình mới có tính trọng điểm về văn hóa chưa được đầu tư xây dựng kịp thời. Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, hầu hết đã xuống cấp, không có kinh phí tu sửa, nhất là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh do thiếu nguồn lực trùng tu nên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho hay, định hướng phát triển của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế theo hướng “Đô thị di sản, văn hóa, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, đây là mục tiêu bao quát toàn diện về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết 33. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn ít, khó khăn nhất là giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển.
Người dân được hưởng lợi từ văn hóa
Dịp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm các hộ dân thuộc diện di dời theo đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế. Chia sẻ với những khó khăn của bà con đang sinh sống trên khu vực Thượng thành, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm về đề án này của Thừa Thiên Huế, không chỉ để ổn định đời sống cho người dân mà còn tạo điều kiện cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế; đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ niềm vui mừng khi bà con đồng tình, ủng hộ việc di dời. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao việc triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết 33 của Thừa Thiên Huế. Tỉnh đã bám sát tình hình cụ thể của địa phương để đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp sát thực, trong đó đã làm tốt công tác đối ngoại về văn hóa thông qua bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Phó Thủ tướng cho rằng, dù không có những dự án lớn, tốc độ tăng trưởng không ở tốp đầu nhưng Thừa Thiên Huế có những bước phát triển chắc chắn, bền vững và người dân được hưởng lợi từ văn hóa. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vẫn giữ được môi trường sống an lành, hấp dẫn, thân thiện, mến khách, văn hóa Huế được thể hiện đậm nét, nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn.
Phó Thủ tướng lưu ý, làm văn hóa rất khó, đòi hỏi trải qua quá trình dài, vì thế, chính quyền các cấp cần chú trọng trong chỉ đạo, điều hành. Cần rà soát các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế phục vụ cho phát triển văn hóa và con người đã đồng bộ, hoàn thiện chưa? Các phong trào vận động liên quan đến văn hóa sau một thời gian đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân hay chưa? Việc nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế là cần thiết để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn dân trong xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.
Bài, ảnh: MINH HIỀN