Theo Bản lược kê lý lịch di tích của Bảo tàng Thừa Thiên - Huế, vào năm 1941, “khu vực Chín hầm” được thực dân Pháp xây dựng trên quả đồi nhỏ, với độ cao khoảng 35m, đây là chín gian hầm bằng bê tông cốt sắt được xây để cất giấu vũ khí, sau này chúng đã cải tạo, sửa chữa những lô cốt ấy thành các nhà tù điển hình. Tuy nhiên có một chi tiết đặc biệt thú vị là dù mang danh xưng “Chín hầm” nhưng thật ra tất cả chỉ có tám hầm và một ngôi nhà gác (trại lính) đóng ở đỉnh đồi. Vì vậy, xưa nay gọi là Chín hầm nghĩa là kể luôn cả trại lính.
 
Một hình ảnh về Chín Hầm
Dưới chính sách bạo tàn của chế độ độc tài Ngô Đình Cẩn, Chín Hầm được biến thành những chuồng cọp để giam giữ các chiến sĩ cách mạng, những người tham gia các phong trào yêu nước…
 
Cụm di tích này đã được Nhà nước công nhận vào năm 1993 với tên gọi “di tích lịch sử lưu niệm tội ác Khu vực Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn” thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thuỷ An, tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Công ty du lịch Hương Giang - làm chủ đầu tư dự án, xây dựng “vùng đất cấm ngày nào” trở thành một khu du lịch sinh thái, tham quan di tích quốc gia.
 
Công ty du lịch Hương Giang đã cùng các đơn vị thi công triển khai xây dựng Tượng đài bất khuất, Bức phù điêu dưới chân tượng đài, sân hành lễ, nhà tưởng niệm, nhà đón tiếp...tại khu vực di tích Chín Hầm. Đồng thời, cho “phủ xanh” khu vực di tích Chín Hầm bằng các cây ngô đồng, cây thông, cây sim, cây sến, cây hoàng hậu, cây tùng bút...cùng các loại cỏ Nhật, cỏ ba lá...Những loại cây này được trồng phân bổ hợp lý để tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình hài hoà với cảnh sắc hùng vĩ của vùng đồi núi Thiên Thai.
 
Chín hầm -  “vùng đất cấm” năm nào hóa thành khu du lịch, một thắng tích của Huế.
Đan Lê (gt)