Khách Hàn Quốc đến Huế và sử dụng dịch vụ xích lô để tham quan

Tăng 70 - 80%

Theo thống kê của Sở Du lịch, khách Hàn Quốc và Hồng Kông đến Huế chiếm hơn 35% thị phần khách. Đa số khách hai thị trường này chọn sử dụng dịch vụ xích lô khi đến Huế. Nhờ nhu cầu của hai thị trường này tăng cao mà “cánh” tài xế xích lô cũng đắt khách hơn trước. Anh Lê Xuân, một tài xế cho biết, so với trước đây, mỗi người chạy khoảng 3 chuyến/ngày được xem là nhiều. Hiện nay, trung bình mỗi người chạy được khoảng 5 chuyến, nhờ đó thu nhập của xích lô cũng cao hơn trước.

Anh Hoàng Trọng Dũng, một đầu mối tour xích lô cho khách Hàn Quốc và Hồng Kông tại Bến thuyền Tòa Khâm thông tin, xích lô du lịch “đắt sô” kể từ đầu năm 2018, đặc biệt là khoảng nửa năm trở lại, nhu cầu của khách và số lượng tour đi xích lô tăng khoảng 70- 80%. “Với thu nhập 70 nghìn đồng/chuyến, cộng với 20 nghìn tiền “bo” của khách, thu nhập trung bình của mỗi tài xế xích lô cũng được trên dưới 500 nghìn đồng/ngày. Chỉ mong khách Hàn Quốc duy trì đến Huế để dịch vụ xích lô du lịch tiếp tục có cơ hội “ăn nên làm ra”, anh Hoàng Trọng Dũng chia sẻ.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội - Chi nhánh Huế, khách du lịch đi xích lô tăng mạnh ở Huế như thời gian qua là trong lịch tour đến miền Trung luôn đi đến ba điểm: Huế, Đà Nẵng và Hội An. Trong hai điểm Huế và Hội An, lữ hành sẽ chọn một điểm để khách trải nghiệm dịch vụ xích lô. Thời gian qua, nhiều lữ hành không để khách đi ở Hội An nữa mà chuyển ra Huế. Lý do là, dịch vụ xích lô ở địa phương bạn đang có vấn đề, giá dịch vụ quá cao, đồng thời các tài xế lại có nhiều chiêu trò khiến du khách không hài lòng.

Nghiệp đoàn Xích lô Du lịch TP. Huế cho biết, ngoài khách Hàn Quốc và Hồng Kông, khách Âu – Mỹ và nội địa thời gian qua đến Huế cũng chọn đi xích lô nhiều hơn so với trước. Dù không mạnh nhưng cũng đã góp phần nâng cao thu nhập cho nghề xích lô du lịch ở Huế.

Không chỉ khách Hàn Quốc, xích lô vẫn được du khách ở nhiều nước lựa chọn khi đến tham quan Huế

Mừng và lo

Khách tăng, nhu cầu cao, thu nhập của xích lô du lịch nói riêng và ngành du lịch nói chung cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Điều lo lắng là tình trạng cạnh tranh về giá. Hiện nay, nghiệp đoàn xích lô du lịch phân chia theo đội nhóm, trong khi điểm bến thuyền Tòa Khâm lượng khách tăng đột biến. Nhiều tài xế xích lô ở các đội khác chấp nhận tăng số lượng chuyến mà hạ giá để được chở khách. Điều này làm ảnh hưởng mặt bằng giá chung của xích lô toàn thành phố.

Nghiệp đoàn Xích lô Du lịch TP. Huế thừa nhận, thời gian qua, có nhiều tài xế phản ánh về giá, bởi các đầu mối lợi dụng một số tài xế ít khách và ép giá xuống thấp để hưởng chênh lệch. Sau khi nhận thông tin và có các cuộc gặp gỡ giữa các bên thì tình trạng ép giá, hạ giá xích lô xuống thấp đã được hạn chế hơn so với trước.

Điều lo ngại lớn hơn là các tour tham quan Huế bằng xích lô cho khách Hàn Quốc và Hồng Kông chỉ mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, chứ chưa phải là một city tour kéo dài thời gian, giới thiệu được nhiều điểm nhấn, hấp dẫn.

Các tour xích lô cho dòng khách Hàn Quốc và Hồng Kông chủ yếu sẽ bắt đầu ở Bến Tòa Khâm, đưa khách sang Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng để khách đi tham quan Đại Nội. Sau đó, sẽ đón ở cửa Ngăn, xích lô tiếp tục đưa khách đi hướng Đoàn Thị Điểm, sang Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng và trở lại Bến xe Nguyễn Hoàng. Một tài xế xích lô chuyên chở khách Hàn cho biết, nếu khách đi tour xe xích lô tham quan TP. Huế thì có nhiều lịch trình và qua rất nhiều tuyến đường, chứ không đơn giản như thế.

Lịch trình tour này sẽ nảy sinh hai trường hợp, thứ nhất là du khách sẽ có cảm giác bị lừa, vì thời gian và lịch trình tour đơn giản, bị rút gọn; thứ hai là những điểm đến đẹp, thú vị của Huế du khách không thể tham quan, khám phá. Dẫn đến du khách lầm tưởng Huế không có gì đặc sắc và khả năng quảng bá hình ảnh cho Huế cũng kém phần hiệu quả.

Một thực trạng khác là nhu cầu khách lên cao, số lượng xích lô trong Nghiệp đoàn Xích lô du lịch TP. Huế không cung ứng đủ, nên rất nhiều xích lô ngoài nghiệp đoàn tham gia chở khách. Anh Hoàng Trọng Dũng cho biết, sử dụng các tài xế chưa vào nghiệp đoàn luôn có sự lo lắng, nếu xảy ra trạng “chặt chém”, nâng giá, đòi thêm tiền của khách thì rất khó xử lý.

Bà Dương Thị Công Lý cho rằng, trong khi các địa phương khác đang mất uy tín về dịch vụ xích lô du lịch, Huế cần có sự vào cuộc của các cơ quan, doanh nghiệp liên quan nhằm hướng đến dịch vụ xích lô chuyên nghiệp, chất lượng.

Bài, ảnh: Đức Quang