Với chiến dịch Giờ Trái đất, nhiều công trình tắt đèn trong 60 phút ngày 30/3. Ảnh: Reuters

Phải nói rõ ràng, không phải vì tắt đèn cần nhiều đổi mới, mà vì những người tham gia chiến dịch cùng chia sẻ tầm nhìn với nhau, từ đó cho thế giới thấy rất nhiều người quan tâm đến biến đổi khí hậu và đánh mất thiên nhiên. Theo WEF, hai mối đe dọa này là thách thức môi trường lớn nhất cho hành tinh của chúng ta hiện nay.

Trong thập kỷ qua, chiến dịch Giờ Trái đất đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến ​​về khí hậu và môi trường quan trọng, giúp thúc đẩy chính sách khí hậu, nâng cao nhận thức và hành động trên toàn thế giới. Phong trào này đã đạt được một số thành tựu nổi bật như giúp tạo ra một khu bảo tồn biển rộng 3,5 triệu ha ở Argentina và một khu rừng Giờ Trái đất rộng 2.700 ha ở Uganda; trồng 17 triệu cây xanh ở Kazakhstan; thắp sáng những ngôi nhà dùng năng lượng mặt trời ở Ấn Độ và Philippines; và một luật mới về bảo vệ rừng và biển đã được thông qua tại Nga. Năm 2018, quần đảo Polynesia thuộc Pháp đã chuyển sang bảo vệ 5 triệu km2 biển để bảo tồn các hệ sinh thái đại dương. Tất cả những điều này đã được thực hiện chính vì những người bình thường như chúng ta quyết định rằng đã đến lúc phải thay đổi.

Đề cập đến những thiệt hại do biến đổi khí hậu và đánh mất tự nhiên gây ra, con số thực sự quá lớn. Mỗi năm dường như đều trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận, gây tổn thất cả về sinh mạng và cuộc sống của cả hàng trăm ngàn người. Báo cáo Hành tinh sống 2018 cho thấy sự suy giảm trung bình 60% về quy mô dân số của một số loài chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm.

Những sự thật này đôi khi làm các nhà vận động môi trường cảm thấy bất lực và nản lòng. Tuy nhiên, chính vào những thời điểm như vậy, cần nhớ rằng mỗi người trong chúng ta đều có thể đổi mới. Mỗi người dân sử dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội và kỹ thuật số để thúc đẩy bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của mình hành động đều sẽ có thể làm thay đổi cuộc sống, qua nhiều thế hệ.

Khi chiến dịch Giờ Trái đất được phát động tại Sydney năm 2007, WWF muốn mang đến một tiếng nói cho những người hoàn toàn mơ hồ về biến đổi khí hậu. Chính WWF cũng chưa bao giờ có thể tưởng tượng được rằng ngày nay, Giờ Trái đất là phong trào cơ sở lớn nhất thế giới về môi trường, trải rộng trên 7.000 thành phố ở hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tất cả bắt đầu với một cử chỉ tượng trưng – ​bấm tắt ​một công tắc đèn. Điều này cho thấy sức mạnh của các biểu tượng để tạo ra sự thay đổi thực sự rất đáng kinh ngạc.

Với chiến dịch Giờ Trái đất 2019, WEF cho rằng đã đến lúc mỗi người cần thức tỉnh và trở thành một “nhà đổi mới”.

Tố Quyên

(Lược dịch từ Weforum)