Nhiều thành phố ở châu Á bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, những người ban đầu bị thu hút bởi các cơ hội phát triển kinh tế hấp dẫn của châu Á đang trở nên do dự trước những lo ngại về sức khỏe, vì vậy nhiều công ty trong khu vực đang phải vật lộn để tuyển dụng và giữ chân những người có chuyên môn mà họ cần.

Số liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) cho biết, khoảng 92% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bị phơi nhiễm với mức độ ô nhiễm không khí gây nguy cơ đáng kể cho sức khỏe. Điều này có nghĩa là ngoài mức lương khủng, các doanh nghiệp còn phải đưa ra các ưu đãi bổ sung.

Ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của Công ty tư vấn ECA International tiết lộ, công ty ông đề xuất các khoản phụ cấp từ 10 đến 20% mức lương cơ bản của người đó khi làm việc tại một địa điểm có mức độ ô nhiễm cao hơn bình thường. Ngoài ra, các điều khoản khác mà nhân viên có thể mong đợi khi chuyển đến khu vực bị ô nhiễm cao bao gồm căn hộ cách nhiệt tốt hơn, máy lọc không khí cho gia đình và văn phòng, mặt nạ thở và kiểm tra y tế thường xuyên.

Tin từ Devdiscourse cho biết, vào năm 2014, Panasonic xác nhận đã cung cấp khoản "phí bảo hiểm ô nhiễm" cho những người làm việc cho công ty này ở Trung Quốc, trong khi Coca Cola cũng đang hỗ trợ khoản trợ cấp về môi trường ở mức 15% cho những nhân viên chuyển đến đó.

Thực tế, Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí, nhưng Bắc Kinh - cùng với các trung tâm đô thị quan trọng khác ở Nam Á bao gồm New Delhi - thường xuyên vượt quá giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ô nhiễm không khí. Do đó, những nơi này đang chứng kiến ​​sự sụt giảm đáng kể của nhân viên, buộc nhiều công ty phải lựa chọn những người kém chất lượng, ông Quane cảnh báo.

Thông thường, các nhân sự cấp cao và gia đình của họ sẽ không sẵn sàng để con cái phải đối mặt với rủi ro sức khỏe, mặc dù bản thân họ có thể bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi. WHO đã nhiều lần cảnh báo rằng những người trẻ rất dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm và có thể phải đối mặt với bệnh tật suốt đời vì nó.

Theo báo cáo của Greenpeace và IQ Air Visual, Ấn Độ sở hữu một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới - là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn, nhưng ở đây có đến 7 thành phố ô nhiễm nhất trên toàn cầu, làm dấy lên “nỗi sợ về các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm, cho dù tất cả nhân sự cấp cao đều muốn có kinh nghiệm làm việc ở Ấn Độ”. Những lo ngại này không chỉ là vấn đề đối với người nước ngoài, mà ngay cả người dân Ấn Độ cũng đang từ chối công việc ở những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Devdiscourse)