Hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Dạ Lê dọn dẹp vệ sinh và trồng hoa tại “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, trật tự trị an”

Cộng đồng chung sức

Đối với hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Dạ Lê, xã Thủy Vân (TX. Hương Thủy), việc dọn dẹp vệ sinh tuyến đường từ cổng làng nối đến chùa và đình làng đã trở thành thói quen hàng tháng và các dịp lễ lớn. Bà Phạm Thị Yên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn kể, sau khi thôn Dạ Lê vận động Nhân dân xây dựng cổng làng, bà con mong mỏi có tuyến đường khang trang nối vào làng. Khi được xã đầu tư xây dựng đường, các hội viên phụ nữ đồng lòng đảm nhận dọn dẹp vệ sinh môi trường và trồng hoa 2 bên lề đường để tạo cảnh quan.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) xã Thủy Vân cho biết, tuyến đường từ cổng làng Dạ Lê đến cầu Uẩn đã đưa vào sử dụng với chiều dài 1.200m, chiều rộng bình quân 3,5m được bê tông hóa và đã phân công tác đoàn thể phụ trách từng phần việc để hoàn thiện mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an”.

“Việc vận động các đoàn thể tham gia xây dựng mô hình đã từng bước nâng cao ý thức của người dân thôn Dạ Lê. Bà con tự giác giữ gìn vệ sinh chung, các hộ dọc tuyến đường đều đảm nhận dọn dẹp vệ sinh trước mặt nhà. Điều này cho thấy sức lan tỏa hiệu quả đối với cộng đồng, cũng là thành quả lớn mà mô hình mang lại”, ông Quang cho hay.

Tại tuyến đường Đập Mít ở thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ (Quảng Điền), Mặt trận và các đoàn thể cấp tỉnh đã vận động được các nguồn lực để nâng cấp đường, lắp đặt các pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền. Sau khi hoàn thành, các đoàn thể chung tay làm đẹp cảnh quan môi trường. Trong đó, Chi đoàn thôn đảm nhận quản lý tuyến đường sáng, an toàn. Chi hội Nông dân vận động hội viên trồng và quản lý, chăm sóc cây xanh hai bên đường. Chi hội Phụ nữ xây dựng mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, phối hợp với Hội Nông dân trồng hoa trên tuyến đường...

Lấy người dân làm chủ thể

Việc triển khai xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, trật tự trị an” đã có sức lan tỏa, góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Qua việc thực hiện mô hình, người dân đã thay đổi nhận thức, hưởng ứng tích cực và có những đóng góp hiệu quả. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sửa sang lại sân vườn, tường rào cho khang trang hơn…

Tổng hợp số liệu báo cáo từ các đơn vị, có 25  “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, trật tự trị an” được hình thành trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, Quảng Điền là đơn vị dẫn đầu với 11/11 xã, thị trấn đều có mô hình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai mô hình vẫn còn một số tồn tại, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân và công tác xã hội hóa còn gặp nhiều hạn chế. Một số cán bộ và người dân còn xem mô hình như là một dự án nên có tư tưởng trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chưa thật sự phát huy nội lực để xây dựng cảnh quan, môi trường sống tích cực.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị đánh giá một năm triển khai, xây dựng mô hình “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, trật tự trị an” diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn đề xuất, cần chọn những tuyến đường có đông dân cư, qua đó phát huy vai trò chủ động chăm sóc, gìn giữ tuyến đường của mỗi hộ dân. Mặt trận và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay vào cuộc. Người dân cần nhận thức được bản thân là chủ thể thực hiện, từ đó mô hình mới thật sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết, quan trọng nhất là lựa chọn xây dựng mô hình tại các tuyến đường đông người dân sinh sống, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, lấy tiêu chí của người dân hưởng lợi để xây dựng, tạo cảnh quan đẹp cho từng đường làng, ngõ xóm. Trong thời gian tới, Mặt trận các cấp sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng ít nhất một “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, trật tự trị an”.

Bài, ảnh: Minh Nguyên