Thiếu tập trung
Khách du lịch đến Huế qua cảng Chân Mây |
Thực tế, sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước, thương hiệu du lịch Huế được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến. Tuy nhiên, loại hình và sản phẩm du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Quốc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho rằng: “Sản phẩm du lịch của chúng ta mới chỉ dừng lại là sản phẩm du lịch về lịch sử, văn hóa chứ chưa thực sự phong phú dù tiềm năng để chúng ta tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú hơn thì rất nhiều”.
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng sản phẩm, trong quá trình khai thác, du lịch Thừa Thiên Huế cũng bộc lộ một số điểm yếu. Đa dạng, phong phú nhưng chính vì vậy, các sản phẩm của Thừa Thiên Huế bị phân tán và ở trên phạm vi rất rộng nên khó tập trung, kể cả trong hoạt động đầu tư và khó cho các hãng lữ hành tập trung lựa chọn các sản phẩm giới thiệu cho du khách vì thời gian khách đến Huế rất ngắn, thường chỉ 2-3 ngày”. Cũng theo ông Lê Hữu Minh, các hãng lữ hành thường có tư tưởng “ăn sẵn”. Họ chỉ muốn khai thác những sản phẩm du lịch sẵn có, ít đầu tư, tìm tòi để tìm ra những sản phẩm mới. Vì vậy, sản phẩm du lịch vẫn còn thiếu cái mới và một số người cho là Thừa Thiên Huế còn nghèo trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, trong kinh doanh du lịch vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, ép giá, phá giá, làm cho các sản phẩm du lịch bị mang tiếng.
Bên cạnh đó, tình trạng hưởng lợi không được bình đẳng, thỏa đáng giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể là giữa người dân, cộng đồng dân cư và các hãng lữ hành nên gần đây, một số người dân thiếu mặn mà trong việc tham gia vào các tour du lịch. Ông Alain Luxembourgh – Giám đốc bán hàng Công ty Du lịch Huế Tourist cho hay: “Những yếu tố khách quan như hạn chế về hạ tầng, nguồn lực, kiểu làm du lịch ngắn hạn chưa có tầm nhìn xa là nguyên nhân dẫn đến du lịch Huế chưa có sản phẩm du lịch đặc thù”.
Dù có lợi thế tuyệt đối về hệ thống di sản văn hóa, nhưng để phát triển, du lịch Huế không thể chỉ trông chờ vào loại hình này, vốn thường chỉ thích hợp với du khách cao tuổi. Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, vấn đề của du lịch Huế hiện tại nằm ở việc cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tránh sự nhàm chán cho du khách.
Cần nhiều sản phẩm chất lượng cao
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao. Cùng với việc liên kết, hợp tác, tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương, vùng miền đang diễn ra gay gắt. Du lịch Huế muốn có chỗ đứng, tạo được thương hiệu thì việc xây dựng sản phẩm du lịch nổi trội, riêng biệt vốn có của địa phương là điều thiết yếu. Tỉnh cần có những giải pháp để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và đa dạng, khẳng định thương hiệu du lịch Huế trong thị trường trong nước và quốc tế. Ông Nguyễn Quốc Thành cho rằng: “Bên cạnh những tiềm năng được phát huy, nên tạo ra những sản phẩm khác phong phú hơn, có sức cạnh tranh lớn hơn”.
Theo ông Lê Hữu Minh, du lịch Thừa Thiên Huế muốn phát triển thì sản phẩm du lịch phải dựa trên nền tảng của văn hóa di sản. Đây là nền tảng cho các sản phẩm du lịch. “Sở dĩ việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch dựa vào văn hóa di sản vì Thừa Thiên Huế hiện đang sở hữu 2 di sản văn hóa độc đáo của nhân loại. Trong đó, Quần thể di tích cố đô Huế mang đậm những nét văn hóa chỉ riêng có ở Huế. Ca Huế rõ ràng cũng là một loại hình văn hóa rất tiêu biểu chỉ riêng Huế mới có. Hoặc chúng ta có vườn Huế cũng là nơi rất độc đáo với những nhà rường, nhà vườn. Ẩm thực Huế cũng rất nổi tiếng gồm ẩm thực cung đình và các món ăn dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng một số sản phẩm cũ, tìm tòi để đưa ra những sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt, chúng ta nên chú trọng khai thác du lịch tâm linh”, ông Minh cho biết thêm.
Những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, nhiều sự kiện thu hút ít khách du lịch. Muốn sự kiện văn hóa – thể thao biến thành sản phẩm du lịch thì ngoài việc đầu tư xây dựng chương trình, khâu xúc tiến, quảng bá đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Lê Hữu Minh cho hay: “Để biến các sự kiện văn hóa – thể thao trở thành sản phẩm du lịch thì công tác xúc tiến, quảng bá phải đi đầu. Có quảng bá, xúc tiến thì các chương trình hay mới đến được với du khách. Khi khách du lịch đến tham dự thì sự kiện đó mới thực sự trở thành một sản phẩm du lịch”.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn cho rằng, Thừa Thiên Huế có một bãi biển rất dài nhưng cần phải triển khai các dịch vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, phải tận dụng các vùng đầm phá ven biển tổ chức các tour du lịch sinh thái và xây dựng thêm những điểm giải trí về đêm để du khách có thể lưu trú dài ngày hơn. Bên cạnh du lịch di sản, nếu ngành du lịch có thể triển khai được những dịch vụ này, khách đến với Huế sẽ không cảm thấy nhàm chán.
Theo ý kiến của ông Alain Luxembourgh, muốn tạo sức hút của các sản phẩm du lịch, trước hết cần phải hiểu đúng nghĩa về sản phẩm du lịch, làm du lịch và làm kinh tế thì phải làm một cách lâu dài, tránh tâm lý thời vụ và các sản phẩm du lịch cần được đầu tư một cách nghiêm túc mới đáp ứng tốt được nhu cầu của du khách.
Minh Hiền