Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung phát biểu tại buổi làm việc

Từ năm 2016-2018, Hương Trà có 691 LĐNT được học nghề, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, như: nuôi xen ghép cá, tôm, cua và cánh đồng lúa an toàn; chuyển giao kỹ thuật trồng rau an toàn, rau hữu cơ; kỹ thuật chăn nuôi… Hầu hết LĐNT có việc làm sau khi học nghề, giúp lao động được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề, áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất.

Trong định hướng đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2019-2020, TX. Hương Trà sẽ rà soát trình độ, nguyện vọng, sở trường, sở thích của các đối tượng lao động trước khi liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo địa chỉ để tránh lãng phí; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản cho các nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp; đào tạo nghề lao động nông nghiệp gắn thực nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao…

Nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra thảo luận nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, các cơ sở đào tạo nghề chỉ ra những khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, như: nhiều lao động chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học nghề nên chưa tích cực tham gia; công tác khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động ở một số địa phương chưa sát với thực tế; chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy các nghề phi nông nghiệp còn hạn chế…

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong đào tạo nghề cho LĐNT của TX. Hương Trà. Đồng thời lưu ý công tác đào tạo nghề phải gắn với thực tiễn hơn nữa, đừng đào tạo những gì mình có mà hãy đào tạo cái xã hội cần, tránh đào tạo theo kiểu đối phó gây lãng phí; các ban ngành cần tăng cường sự phối hợp, cùng xắn tay vào làm thật hiệu quả; chính bản thân người lao động cũng phải nỗ lực trong quá trình học nghề... Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý thị xã cần đẩy mạnh phong trào xuất khẩu lao động vì đây là con đường giảm nghèo nhanh và hiệu quả.

Tin, ảnh: Minh Hiền