Đói nghèo là một thách thức mang tính toàn cầu, nhất là đối với những nước đang phát triển như nước ta. Thực tế hiện nay, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao thường là vùng có điều kiện khó khăn, thiếu đất sản xuất nông nghiệp và diện tích đất chất lượng thấp lớn; thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp; thiếu đường giao thông để bà con tiếp cận thị trường... Vì vậy, để xoá nghèo bền vững cần phải tập trung giải quyết tận gốc vấn đề.
Trước đây, chúng ta thường giúp đỡ người nghèo bằng cách cứu trợ mùa giáp hạt, hỗ trợ khi ốm đau hoạn nạn. Nhưng hiện nay, việc giúp đỡ người nghèo bắt đầu hiệu quả hơn nhờ những chương trình, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, như dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình; chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, cấp bù học phí, thẻ BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số... Nói theo kiểu dân gian là chuyển từ giúp “xâu cá” sang giúp “cần câu” và dạy cả cách câu, cách bảo quản, chế biến, giới thiệu cả nơi bán cá.
Tại Thừa Thiên Huế, chỉ trong 3 năm (2011-2013), tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt hơn 192,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm bình quân hàng năm từ 1,5-1,7% (năm 2013 còn 6,5%); khoảng cách chênh lệnh về nghèo giữa các vùng, các địa phương ngày càng thu hẹp. Thực tế ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới - nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số và cũng là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh - đã chứng minh điều này. Từ chỗ trông chờ ỷ, lại Nhà nước, nhờ chính sách giao đất, giao rừng; khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, hàng ngàn hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Thành công này là nhờ giải quyết được tận gốc vấn đề, đó là tạo công ăn việc làm cho người dân đi đôi với phát triển sản xuất hàng hóa.
Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo thì không ai giống ai. Có người do thiếu sức lao động, thiếu tư liệu, vốn sản xuất; có người lại do thiếu kinh nghiệm, kiến thức làm ăn, khả năng quản lý chi tiêu hoặc gặp tai nạn, ốm đau… Vì vậy, để giúp đỡ người nghèo hiệu quả, chúng ta cần có những cách làm phù hợp với từng vùng, từng đối tượng cụ thể. Một số tổ chức quốc tế khi triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế, xoá đói giảm nghèo thường khảo sát kỹ khó khăn, nhu cầu, khả năng của đối tượng tham gia dự án, từ đó đề ra biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả, bền vững. Có trường hợp, không nhất thiết hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng cần giúp đỡ, mà thông qua đầu tư cho người có khả năng quản lý, tạo việc làm cho đối tượng cần giúp đỡ để họ có thu nhập ổn định. Có trường hợp, họ kỳ công khảo sát, tìm 1-2 người có uy tín và khả năng tác động đến đối tượng cần giúp đỡ và thông qua những người này để hỗ trợ vốn làm, cách quản lý... Đây là những kinh nghiệm hay, cần được nhân rộng, nhằm tránh lãng phí nguồn lực mà người nghèo vẫn hoàn nghèo.
Hoàng Giang