Điều này không chỉ vì những thắng cảnh thiên nhiên và các di tích, lịch sử văn hóa ở Huế quá nhiều và vẫn chưa thực sự biết hết, mà còn vì khi đến Huế, điều mà mọi người cảm nhận và muốn trải nghiệm nhiều hơn là cuộc sống, con người và không gian xứ Huế. Một đồng nghiệp ở Hà Nội còn nói với tôi rằng, đến Huế là để ngắm và thở. Đồng nghiệp khác đến từ vùng núi cao phía Bắc chia sẻ, Huế đúng là nơi mà anh có thể thực sự thư giãn trong một khung cảnh quá ư là êm đềm từ sự cộng hưởng của thiên nhiên và cách ứng xử của con người…
Trong một góc nhìn tiệm cận, người ta (và ngay cả không ít người ở Huế nữa) vẫn cho rằng, Huế chừng như chậm thay đổi. Theo tôi, đó cũng chỉ là cảm giác nếu cứ nhìn từ lõi trung tâm của thành phố, về phương diện đô thị. Ở góc nhìn này, có lẽ cần có một tầm nhìn bao quát hơn về phía ngoại vi, về những tuyến đường và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đã được mở và kết nối giao thương giữa các địa phương trong tỉnh; cũng như xác lập cụ thể sự thay đổi về nhịp độ, mức sống và chất lượng sống của người dân. Sự chậm – đúng hơn là sự chừng mực, điềm đạm và nói theo cách của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu là “tỉnh đã từ chối rất nhiều dự án có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, du lịch” cho dù cần phải có tiềm lực kinh tế để phát triển (baochinhphu.vn) trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào cuối tháng 3 vừa qua.
Dù không đứng vào top các địa phương phát triển ở hàng đầu, song sự chắc chắn và bền vững trong phát triển; phong thái và bản sắc văn hóa Huế, không gian Huế và môi trường trong xanh, an lành… chính là điều mà Thừa Thiên Huế đã làm được và người dân được hưởng lợi từ chính những điều đó là nhận định và đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chắc chắn, đó không phải đích cuối mà sự nỗ lực và phấn đấu để tiến lên phía trước, để có thể cùng đạt được nhiều mục đích tích cực kép là điều mà lãnh đạo tỉnh và người dân Thừa Thiên Huế mong muốn đạt tới. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi Huế từng ngày đẹp hơn, sạch hơn, sáng hơn, môi trường và chất lượng sống ngày mỗi tốt hơn.
Mong muốn, kỳ vọng vừa là mục đích, vừa là áp lực của cuộc sống và phát triển. Với Thừa Thiên Huế, điều đó còn là áp lực để làm thế nào giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn; là làm thế nào đạt được sự cân bằng giữa môi trường với phát triển trước khi đạt đến một mức cao hơn về môi trường và chất lượng sống cao hơn. Tôi cũng nhớ một đồng nghiệp khác cũng đã chia sẻ rằng, người Huế các bạn có quyền cộng thêm chỉ số môi trường sống vào giá trị gia tăng trong đời sống hàng ngày. Đó cũng chính là điều mà người dân đang được hưởng lợi và giá trị đó, vẫn đang được cộng thêm và tích điểm hàng ngày qua nhiều hành động cụ thể từ cộng đồng.
Nguyễn An Lê