100% trẻ em tại Đông Sơn đều được học mầm non

Ông Hồ Xuân Tua, Trưởng thôn Loah – Tavai, được xem như “nhân chứng sống” cho sự đổi thay từng ngày tại đây. Vị trưởng thôn gần 80 tuổi nhớ lại, khi kết thúc chiến tranh Đông Sơn là vùng đất “chết”, cây cối còn khó sống huống chi là con người. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư các chương trình: 135, xóa nhà tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất; hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông đã về với bà con tận bản làng xa xôi. Mạng lưới y tế, giáo dục không ngừng được nâng cấp, con trẻ có cơ hội đến trường, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.

“Hồi trước bà con khổ lắm, chỉ mong kiếm cơm qua ngày chứ chả dám nghĩ đến làm giàu. Nhờ nhà nước hỗ trợ, giờ mọi người đã tính chuyện cất nhà kiên cố, sắm xe”, ông Tua hồ hởi khoe.

Gần đó, cánh đồng lúa nước gần 1ha của chị Lê Thị Sáu (thôn Loah - Tavai) là điển hình cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, được bà con đến tham quan, học hỏi rất nhiều. Chị Sáu cho cho biết, từ ngày được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, lại hỗ trợ lúa giống chất lượng cao nên năng suất mỗi vụ ngày càng được nâng cao, đạt đến 50 tạ/ha trong vụ mùa vừa qua.

Không riêng chị Sáu, Đông Sơn ngày nay còn có nhiều cá nhân đã làm giàu trên mảnh đất quê hương, như anh Hồ Văn Tôi với 40 ha rừng keo và đàn bò hơn 30 con; anh Hồ Văn Tình với 15 ha rừng trồng… Trung bình mỗi hộ gia đình tại đây sở hữu hơn 3 ha rừng kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Khánh, cán bộ nông nghiệp tại xã kể, nếu như trước đây bà con có thói quen canh tác lạc hậu thì nay đại đa số đã thay đổi tư duy, sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng. Đó là cả một quá trình chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, “cầm tay chỉ việc” từng bước giúp người dân thay đổi thói quen canh tác lâu nay. Con số trên 900 tấn phân xanh, 50 tấn phân vô cơ được sử dụng trong năm 2018; trên 500 người tham gia 9 lớp tập huấn về thâm canh lúa nước là những minh chứng rõ nhất về quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân Đông Sơn.

Ông A Viết Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, vốn là vùng đất không một cây gì có thể sống nổi, thì nay, gần 100% hộ dân của Đông Sơn đã khá lên nhờ chăn nuôi, làm ruộng và trồng rừng kinh tế...

Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng tại Đông Sơn đạt gần 209 ha. Trong đó, lúa nước chiếm hơn 154 ha, đạt 200% kế hoạch năm. Năng suất bình quân đạt 47,5 tạ/ha, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận là 80%. Tổng diện tích rừng trồng toàn xã gần 600ha, diện tích khai thác trong năm khoảng 32 ha, sản lượng đạt hơn 2.200 tấn.

Theo ông A Viết Minh, tuy đời sống ngày càng khấm khá hơn nhưng nhiều người dân chưa biết cách chi tiêu hợp lý. Thời gian tới, UBND xã sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương mở các lớp tập huấn về quản lý chi tiêu gia đình để sử dụng hợp lý, tăng đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: Minh Nguyên