Trong điều kiện hiện nay, với đồng lương dù đã khá hơn trước nhưng chưa thể gọi là đủ, chưa có dự trữ, làm giàu. Các cơ quan chỉ có thu nhập chính là lương, không phải là mục tiêu hướng tới của nhiều người. Nhiều cán bộ được điều chuyển hoặc bổ nhiệm lãnh đạo vào những cơ quan ít kinh phí dù có chức vụ cao hơn nhưng cũng không phấn khởi với chức vụ mới. Ngược lại, có những cơ quan không có chức năng làm kinh tế, không có nhiều khoản thu nhập tăng thêm nhưng người ta vẫn lao vào. Đó là những cơ quan có chức năng “siêu quyền lực”, có quyền chi phối dự án, kinh phí hoặc có quyền quyết định về tổ chức, đề bạt cán bộ. Dù danh nghĩa chính thức không có nhiều thu nhập, nhưng lại có quyền lực “ngầm” chi phối nhiều ngành, địa phương nên dĩ nhiên sẽ được hưởng lợi từ quyền “ban phát”.

Chạy đua vào "vị trí màu mỡ" đang là vấn đề nóng diễn ra của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chạy thì đương nhiên phải vào vị trí có thu nhập cao, dễ “hái ra tiền”, sớm thu hồi “vốn”. Những nơi ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh thì mức độ chạy đỡ phức tạp, quyết liệt hơn những nơi có nhiều đối thủ. Có khi chỉ hơn nhau ở quan hệ “nặng ký” với cấp có thẩm quyền. Đây chính là mầm mống, là nguyên nhân của tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ, trở thành vấn nạn cần phải chấn chỉnh. Chúng ta đã có quy định, quy trình, tiêu chuẩn và cả thi tuyển lãnh đạo nhưng áp dụng vào thực tế vẫn còn có những sơ hở chưa thể bịt kín tuyệt đối. Tiếp tay cho hiện tượng này là những cán bộ có chức năng tham mưu công tác bổ nhiệm cán bộ, người có quyền quyết định công tác tổ chức. Cái vòng tròn từ khi chạy cho được ghế đến khi có quyền lại tiếp tục ban phát cho những người cần cầu cạnh từ bên dưới. Tiêu cực kiểu này tạo ra những tấm lá chắn ràng buộc, bao che cho nhau, không khách quan trong công tác tổ chức. Cũng có thể nói đó là tham nhũng của những nhóm lợi ích trong công tác cán bộ. Đó cũng là lý do vì sao sau khi Trung ương xử lý mạnh mẽ, quyết liệt với vi phạm bổ nhiệm lãnh đạo ở nhiều ngành, địa phương thời gian qua, nhưng vẫn còn tình trạng cố tình bổ nhiệm người không đúng quy định.

Chúng ta không thiếu các văn bản mang tính ràng buộc, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền nhưng trong thực tế vẫn còn diễn ra. Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện, các chỉ thị, quy định về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm…, nhưng để đạt hiệu quả thì những nội dung này cần phải được các cấp kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc. Cấp trên cần phải thể hiện vô tư, liêm chính; cấp dưới phấn đấu bằng trách nhiệm, nghĩa vụ trong sáng của người cán bộ, đảng viên. Cán bộ, công chức có ý thức phấn đấu vươn lên là tâm lý chung, là ước vọng chính đáng cần khuyến khích. Nhưng phấn đấu có chức quyền để làm giàu bất chính sẽ làm méo mó động cơ, mục đích trong sáng của đội ngũ lãnh đạo. Mỗi đảng viên khi vào Đảng đã tuyên thệ chấp hành sự phân công của tổ chức, làm bất cứ việc gì khi được Đảng phân công.

Chạy chức, chạy quyền vừa vi phạm Điều lệ Đảng, vừa vi phạm pháp luật và trái với đạo đức… Khi chạy chức, chạy quyền chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cán bộ tìm cách luồn lách để được bổ nhiệm vào những vị trí màu mỡ sẽ còn diễn ra. Đây là hiện tượng cần phải được chỉ trích mạnh mẽ, phê phán, loại bỏ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH