Họa sĩ Tôn Thất Sa là tác giả của Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong

Tài hoa

Họa sĩ Tôn Thất Sa là hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Chu, sinh ra và lớn lên ở làng Vạn Xuân, Kim Long. Dù không xuất thân từ trường lớp mà chủ yếu tự học, ông là người có năng khiếu đặc biệt. Vẽ bất cứ gì, ông cũng làm rất chi tiết, sáng tạo, chính xác. Trên lĩnh vực nào ông cũng thành công, từ vẽ minh họa, vẽ tranh, tem đến thiết kế kiến trúc…

Ngoài công việc chính dạy ở trường kỹ Nghệ Huế giai đoạn 1906 – 1941, đóng góp lớn nhất của họa sĩ Tôn Thất Sa là vẽ khảo tả, minh họa, vẽ đặc tả các hiện vật, di tích cho các bài nghiên cứu trên B.A.V.H. Ông không chỉ vẽ đạc biểu kiến trúc vững vàng mà còn đặc tả rất nhiều cổ vật, như: vẽ các kiểu bàn, ghế cổ, sập gụ, tủ chè, đồ dùng, các loại nhạc cụ truyền thống, lọng, đèn, mẫu khung treo đèn ở điện Cần Chánh, phác họa kiểu thức rồng trang trí ở điện Thái Hòa, ghi chép các tiết điệu hoa văn trang trí, mũ áo phục trang triều đình... Tôn Thất Sa góp phần giữ lại, lưu mãi những hình ảnh nghệ thuật cổ ở Huế, nhiều cái ngày nay không còn nữa, vì vậy chúng trở thành những hình ảnh quý giá cho các nhà nghiên cứu sau này. Ông còn truyền lại trong đó những tình cảm lớn lao, sự trân trọng và ý thức bảo tồn văn hóa Huế, mỹ thuật cổ ở Huế, phù hợp với mục đích và tôn chỉ của tập san B.A.V.H trong suốt 30 năm tồn tại.

PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế cho rằng, con đường đến với nghệ thuật của Tôn Thất Sa dường như không phải xuất phát chỉ từ tâm thức, tố chất của người nghệ sĩ, mà còn từ tình yêu nghệ thuật rất tự nhiên bởi sự say mê chân thành. Bản tính cần mẫn dần làm cho ông trở thành một họa sĩ có xu hướng nghiên cứu nhiều hơn là sáng tác. Ông không xuất hiện như một nghệ sĩ sáng tạo cái mới, nhưng mỗi hình vẽ của ông lại có sức hút bởi những giá trị bên trong. Nhiều bản vẽ không chỉ thể hiện tài năng, sự kỳ công nghiên cứu tinh tế mà còn cho thấy độ cảm thụ sâu sắc, tính nghệ thuật đậm nét trong bút pháp diễn tả của ông.

“Nhiều tranh phong cảnh kiến trúc cho thấy, Tôn Thất Sa còn là một họa sĩ phong cảnh màu nước bậc thầy. Độ nhuyễn, độ loang của màu và ánh sáng không dừng lại là một họa sĩ tự học thông thường mà đạt tới trình độ của một họa sĩ vẽ màu nước chuyên nghiệp.

Tôn Thất Sa sớm được nhiều người Pháp biết đến và coi ông như một họa sĩ tài hoa thực sự, vì ông không chỉ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe, khá hàn lâm về việc sáng tạo ra những hình ảnh thể hiện được nội dung bài nghiên cứu, khảo tả mà còn đưa vào mỗi hình vẽ cả sự lay động trước các giá trị văn hóa - mỹ thuật của xứ Huế”, PGS. TS. Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Bà Bùi Oanh Hằng, cháu ngoại của họa sĩ Tôn Thất Sa lần giở những tư liệu về ông

Mong ước về tên đường Tôn Thất Sa

Với tài năng, họa sĩ Tôn Thất Sa được mời thiết kế, phục dựng các đồ vật dùng trong hoàng cung, phục trang cung đình và cả việc vẽ đặc tả một số đồ vật quý hiếm trong Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế). Đáng nhớ nhất là việc họa sĩ Tôn Thất Sa nặn tượng vua Duy Tân. Trong những năm 20, Tôn Thất Sa tham dự một số cuộc thi sáng tác, thiết kế mỹ thuật, qua đó người ta còn biết Tôn Thất Sa như là một kiến trúc sư tài hoa mà minh chứng rõ nhất, ông là tác giả của Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong, thiết kế nên gác chuông Trường Quốc Học... Năm 1925, ông đã đoạt giải nhất cuộc thi tem với bộ tem về người nông dân Việt làm việc đồng áng.

Với những đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, truyền bá tinh thần nhân văn của văn hóa Huế nói chung, mỹ thuật cung đình Nguyễn nói riêng, năm 1934, Tôn Thất Sa được triều đình ban tặng tước hiệu Hiệp sĩ cung đình, đây là sự tôn vinh nghệ danh mà không mấy người cùng thời có được. Rất tiếc là những trận lụt kinh hoàng, những cuộc chiến tranh đã làm hư hỏng và tiêu hủy nhiều tác phẩm, bản vẽ của họa sĩ.

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, TP. Huế, bà Bùi Oanh Hằng, cháu ngoại của họa sĩ Tôn Thất Sa vẫn còn lưu giữ một số tư liệu, tác phẩm quý của ông. Lần giở những phác thảo vẫn còn nguyên vẹn, ký ức bà Oanh nhớ về người ông đầy tâm huyết với nghề: “Cha mất sớm nên từ nhỏ tôi sống cùng với ông bà ngoại. Trong ký ức của tôi, ông là người ít nói nhưng làm việc cần mẫn, nghiêm túc, suốt ngày ông ngồi bên bàn vẽ, ai nhờ vẽ gì cũng nhận. Ngôi nhà tôi đang ở cũng do ông thiết kế”.

Suốt gần một thế kỷ sống ở Huế, có nhiều đóng góp cho văn hóa, nghệ thuật của Huế, họa sĩ Tôn Thất Sa xứng đáng được nhiều người biết đến. Bà Hằng mong ước: “Suốt một đời lao động miệt mài vì nghệ thuật, tôi mong những cống hiến của ông ngoại tôi được ghi nhận, như có một con đường mang tên ông, để mọi người đi qua đó nhớ đến những đóng góp của ông đối với Huế”.

PGS. TS. Phan Thanh Bình cho rằng, việc Huế có một con đường mang tên Tôn Thất Sa là hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của ông cho Huế.

Bài, ảnh: MINH HIỀN