Không rõ những bến đò sớm nhất nơi sông Hương có từ khi nào, vậy nhưng, điều có thể khẳng định là, hơn một trăm năm sau khi có cầu bắc qua sông Hương (cầu Trường Tiền và Bạch Hổ), gần 60 năm có Khách sạn Hương Giang nổi tiếng và không lâu sau khi có đường đi bộ trên sông Hương, giờ đây Huế đang chuẩn bị có thêm nhà hát mang tên sông Hương huyền thoại. 

Nhìn vào phối cảnh và hình ảnh bước đầu trên thực tế, có người liên tưởng và so sánh nhà hát sông Hương với Steve Jobs Theater tại Hoa Kỳ, nhà hát được xây dựng để tưởng niệm Steve Jobs chết vì ung thư, nhân vật được mệnh danh là “huyền thoại sống của thung lũng Silicon” đã để lại dấu ấn không thể che lấp trong sự hưng thịnh của Apple và giới công nghệ toàn cầu và cũng là nơi diễn ra sự kiện ra mắt iPhone 8. Có người bảo đó là sự sao chép, tôi không nghĩ vậy.

Kiến trúc nhà hát được thiết kế theo hình móng ngựa của KTS trẻ Nguyễn Xuân Minh được đánh giá là phù hợp với sông nước Hương Giang nói riêng và cảnh quan thiên nhiên nhìn chung xung quanh. Toàn bộ thiết kế kiến trúc của Học viện Âm nhạc Huế là một không gian mở, trở thành điểm nhấn cho thành phố và trong đó nhà hát là điểm nhấn chủ đạo của công trình.

Steve Jobs Theater nằm ở một trong những vị trí cao nhất của Apple Park (công viên Apple); từ đây, có thể quan sát thấy toàn khuôn viên, những đồng cỏ và phần còn lại của trụ sở. Còn nhà hát Sông Hương nằm trên bờ ở ngã ba sông Hương và sông An Cựu, phía trước là Kinh thành Huế, là một vị trí tuyệt vời mà từ nhiều nơi, ta có thể ngắm nhìn và thưởng vọng.

Đã nhiều năm nay, câu chuyện nhà hát cho Huế được luận bàn với nhiều băn khoăn và sự ra đời của nhà hát Sông Hương là câu trả lời. Một thành phố du lịch và văn hóa cần có một nhà hát, một thiết chế văn hóa xứng tầm, là điều mà Huế lâu nay còn thiếu. Dẫu sao thì với công năng của một nhà hát đa chức năng, nhà hát Sông Hương ra đời là nơi có thể biểu diễn nhạc thính phòng, ca múa nhạc, xiếc và các loại hình nghệ thuật khác, đồng thời tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo chuyên ngành, thu âm... Huế hiện chưa có một “nhà hát của những giấc mơ” như thế.

Mới đây, dự án chỉnh trang hai bờ sông Hương đã được thành phố Huế khởi động nhằm xây dựng trục không gian văn hóa - du lịch ven sông, tạo điểm đến cho du khách. Theo đó, đường phố Lê Lợi nổi tiếng ở bờ nam, nơi tập trung nhiều thiết chế văn hóa, công viên, các hoạt động văn hóa cộng đồng… đã được chọn. Sự xuất hiện mới của nhà hát Sông Hương nơi đây được xem là sự bổ sung tuyệt vời, góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa Huế - sông Hương nói chung và tuyến phố Lê Lợi nói riêng. Và trong ý nghĩa đó, có thể xem nhà hát Sông Hương là công trình văn hóa hội tụ “nhiều trong một” và đó cũng điều mà Huế đang cần.

ĐAN DUY