Đua trải trên sông Vực. Ảnh: VÕ NHÂN
Theo đó, đóng trải đua không chỉ mang ý nghĩa mưu sinh như một nghề thủ công thông thường bởi ngoài tài nghệ đặc biệt, người thợ đóng trải nắm giữ tri thức nghề nghiệp, phải luôn chịu áp lực nặng nề bởi trách nhiệm, bổn phận trước cộng đồng, nhất là những chuẩn tắc, quy ước đậm tính tâm linh. Chính vì vậy mà cho dù ở Thừa Thiên Huế có đội ngũ thợ mộc đông đảo nhưng riêng với nghề đóng trải truyền thống, lại rất hiếm hoi, như trường hợp xưởng đóng trải nổi tiếng của gia đình ông Lê Văn Vinh ở làng Dương Nổ, càng rất đáng được trân trọng
Bước qua tuổi ngũ tuần (sinh năm 1966), ông Lê Văn Vinh ở làng Dương Nổ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) là một người đặc biệt, có trong tay một nghề thủ công đặc biệt. Sinh ra trong một gia đình trải qua 4 đời làm nghề mộc, từ khi hơn 10 tuổi, ông đã theo nghề dưới sự chỉ dạy của cha - ông Lê Thiện. Học nghề trong gia đình, là con trai rất được yêu thương nhưng ông không nhận được nhiều sự ưu ái trong quá trình đào tạo bởi người cha nghiêm khắc. Bắt đầu từ những việc lặt vặt như quét dăm bào, chùi dọn đồ nghề, khuân vác gỗ… cho đến những bước làm quen với cưa, đục, bào, ông đã được cha rèn luyện đức tính kiên nhẫn, cẩn thận và “biết việc” từ năm 15 tuổi. Là người có năng khiếu, sáng ý và chăm chỉ nên ông được cha sớm đặt nhiều kỳ vọng, từng theo cha anh đi làm nhà, đồ gỗ khắp các vùng quê Bình - Trị - Thiên. Không chỉ có vậy, ở vùng quê gắn liền môi trường sông nước Phổ Lợi, bà con còn gắn liền với sinh kế đánh bắt thủy sản và quan trọng hơn, là lễ hội đua thuyền thiêng liêng, sôi động được tổ chức hàng năm nên từ một cơ duyên, gia đình ông đã nhanh chóng tích hợp, học thêm nghề đóng và sửa chữa trải đua.
Ông Lê Văn Vinh ở xưởng đóng trải. Ảnh: HOÀNG HOA
Từ năm 1990, làng Dương Nổ cho mời ông thợ cả Sắt ở xóm Lái, làng Hải Trình (xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) về đóng trải đua ngay trong khuôn viên nhà thờ Thất tộc cạnh đình làng. Với nghề thợ mộc sẵn có, ông Vinh được theo sát công trường và thấy có nhiều điểm phù hợp, làm ông phấn khích và đam mê với nghề đóng trải đua truyền thống. Tuy nhiên, theo quy ước thì đây là nghề không nhận học trò ngoài họ tộc, càng không thu nhận học trò người ngoài làng, nên ông thợ cả Sắt chỉ hướng dẫn qua loa mà không chỉ bảo tường tận, trực tiếp việc đóng thuyền.
Cùng với dân làng, ông Vinh cũng chỉ được tham gia vào một số công đoạn đơn giản như xảm vỏ cây, buộc lỗ làu,… nhưng với lòng yêu thích, sáng ý và cộng hưởng với kiến thức nghề mộc sẵn có, ông Vinh đã để lại ấn tượng tốt với ông thợ đóng thuyền xa lạ nên đã đưa ông đến với cơ duyên tiếp cận nghề mới. Sau những tháng ngày mày mò đo vẽ, tìm hiểu, ghi chép trong những đêm trực thuyền dưới sự phân công của Ban làng, có sự hướng dẫn của người thầy đáng kính, ông Vinh đã sắp xếp gần như đầy đủ các dạng thức, phương pháp và thủ thuật đóng trải đua, để hai tháng sau, có thể tự đóng thử nghiệm thành công một chiếc. Ông cũng từng bước hệ thống hóa những bản vẽ kỹ thuật đóng trải một cách bài bản và dần dần hoàn thiện, mang lại hiệu suất, tính năng ưu trội hơn.
Đua trải trên sông Vực. Ảnh: VÕ NHÂN
Tài nghệ của ông Vinh dần được nhiều nơi, nhiều người biết đến và mời ông về đóng, chỉnh sửa trải đua truyền thống của làng. Cho nên, ngoài việc đảm nhận đóng thuyền đua cho làng Dương Nổ, bước chân và tay nghề của ông Vinh đã đến nhiều làng quê sông nước có lễ hội đua trải ở Bình - Trị - Thiên hay thậm chí ra Nghệ An hay vào tận Đắc Lắc.
Đáng tiếc là hiện nay, nhu cầu đóng trải đua không còn nhiều do quy mô các lễ hội đua trải ngày càng thu hẹp, tính chất lễ hội có nhiều thay đổi từ hoạt động đua trải chuyển sang đua ghe... Về phương diện tổ chức, các làng không còn nhu cầu sở hữu trải đua mà có thể thuê của làng khác, hơn nữa trải đua có độ bền cao trên dưới 15 - 20 năm nên nhu cầu đóng mới không nhiều, chủ yếu là ráp trải cũ trước các kỳ đua bơi. Vì thế, đã làm cho nghề đóng trải khó phát triển.
Bí quyết truyền nghề trong gia tộc không cho phép tinh hoa nghề nghiệp phổ biến ra ngoài, hơn nữa, yêu cầu đòi hỏi bản lĩnh của người thợ đóng thuyền trước áp lực danh hiệu của mỗi giải đua nên người theo nghề không nhiều, nguy cơ thất truyền càng cao khi những lão nghệ nhân ngày một thưa dần mà không kịp có truyền nhân. Sự hiếm hoi còn lại trường hợp nghề đóng trải truyền thống của gia đình ông Lê Văn Vinh, ngoài sinh nghệ, còn là đam mê và khát vọng, ý nghĩa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể độc đáo đứng trước nguy cơ thất truyền. Ba người con trai vẫn theo nghề nghiệp càng ghi nhận công lao trao truyền nghề thủ công và ngọn lửa đam mê từ chính con người ông, hy vọng sẽ đưa nghề đóng trải Dương Nổ có bước phát triển cao hơn.
Trong lễ hội đua trải, nghi lễ cúng tế thiêng liêng và hội hè náo nhiệt, sôi động và điểm đặc biệt, lại ít ai biết đến ông Lê Văn Vinh - người đóng trải có tay nghề cao, góp phần quyết định đến thắng lợi của trải đua. Chính sự miệt mài, thầm lặng của những người thợ - người con trong gia đình ông Vinh đã nuôi dưỡng, trao truyền nghề đóng trải đua truyền thống hiện nay là rất hiếm hoi trên khắp cả dải đất miền Trung. Nếu có một bảo tàng sông nước ở Huế thì chắc chắn, không thể thiếu những hiện vật và tinh hoa nghề đóng trải Dương Nổ từ bàn tay người thợ như gia đình ông Vinh.
HOÀNG HOA