Các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Ảnh: IRENA

Báo cáo “Chuyển đổi năng lượng tái tạo” được công ty kiểm toán toàn cầu KPMG công bố hồi cuối tháng trước nhấn mạnh rằng, hiện vẫn còn 70 triệu công dân ASEAN chưa được sử dụng nguồn điện đảm bảo, cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo là rất lớn ở các thị trường trong khu vực và chính phủ các nước đang ngày càng nỗ lực chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để giải quyết vấn đề.

Thực tế, mỗi thành viên trong ASEAN đều đặt ra các mục tiêu về năng lượng tái tạo và những đổi mới về công nghệ đang khiến các nguồn năng lượng tái tạo giờ đây trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

RE100 - một sáng kiến ​​hợp tác toàn cầu, hợp nhất hơn 100 doanh nghiệp có ảnh hưởng cam kết sử dụng 100% điện tái tạo (RE) – được thành lập vào năm 2014 là một ví dụ điển hình về cách mà người tiêu dùng đang giúp thúc đẩy nhu cầu năng lượng tái tạo, nhất là khi lĩnh vực thương mại và công nghiệp sử dụng đến 2/3 lượng điện thế giới. Gia nhập RE100 có thể kể đến các tên tuổi lớn như tập đoàn công nghệ Google, Microsoft, hãng nước giải khát Coca Cola, công ty nội thất IKEA - tất cả đều có sự hiện diện mạnh mẽ ở các nước ASEAN.

Các báo cáo cho thấy, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang dẫn đầu các dự án đầu tư về năng lượng tái tạo trong khu vực, điều này đã giúp giảm giá thành cho các nguồn năng lượng này. Trong khi giá cả thường là mối quan tâm chính, thì chi phí giảm và nhu cầu tăng chính là những yếu tố giúp thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển mạnh.

Theo ông Sharad Somani, Giám đốc điều hành và phụ trách mảng năng lượng và các ngành phục vụ công cộng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của KPMG, giá của năng lượng tái tạo đã giảm mạnh trong 5 năm qua và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm xuống bằng với giá của năng lượng điện truyền thống trong vòng 5 năm tới. Một khi điều đó xảy ra, ắt hẳn sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư hơn vào lĩnh vực này.

Giá thành giảm và chính sách tốt của chính phủ

Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) đã công bố một báo cáo vào tháng 8 năm ngoái cho thấy Philippines - nơi ước tính có khoảng 20 triệu người thiếu nguồn cung cấp điện liên tục và 12 triệu người chưa có điện - có thể giảm chi phí điện xuống chỉ còn 2,50 peso Philippines (tương đương 0,05 USD) cho mỗi kilowatt giờ (kWh) bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Trong khi đó, dầu diesel có giá 15 peso Philippines (0,28 USD) cho mỗi kWh và than có giá 3,8 peso Philippines (0,07 đô la Mỹ) cho mỗi kWh.

Một báo cáo có tiêu đề “Philippines có thể giảm chi phí điện, cải thiện an ninh năng lượng bằng cách phát triển tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà” cũng chỉ ra rằng chi phí giảm nhanh, cùng với những tiến bộ về công nghệ trong năng lượng tái tạo, giúp nâng cao hiệu quả năng lượng, đang giúp ngành này ngày càng phát triển.

Với việc Ủy ban Đầu tư Philippines phê duyệt 8 dự án năng lượng mặt trời trị giá 1,6 tỷ USD vào năm ngoái, sự hỗ trợ liên tục của chính phủ cũng đang góp phần giúp thay thế các nguồn năng lượng từ than đá và dầu diesel bằng các giải pháp có lợi cho môi trường hơn, ví dụ như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, địa nhiệt, khí sinh học… những lựa chọn đầy cạnh tranh và khả thi, cũng như có thể kết hợp để tạo ra một hệ thống năng lượng rẻ hơn, đa dạng hơn và an toàn hơn.

Nhu cầu năng lượng tăng cao

Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của ASEAN vượt quá 4% hàng năm, mức tiêu thụ năng lượng ở khu vực này đã tăng gấp đôi kể từ năm 1995 - và nhu cầu dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng ở mức 4,7%/năm cho đến năm 2034, báo cáo “Phân tích thị trường năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á” được Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố năm ngoái cho hay.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia ASEAN đã đặt mục tiêu là tới năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 23% tổng năng lượng sơ cấp mà các nước trong khối sử dụng - tăng 250% so với năm 2014. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nước Đông Nam Á sẽ phải tăng cường triển khai việc tái tạo trong lĩnh vực năng lượng, cũng như trong sưởi ấm, làm mát và giao thông trên quy mô lớn.

Ngoài ra, theo ông Jonathan Goh, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của Uỷ ban Thị trường năng lượng Singapore, các nước ASEAN cũng phải chú trọng việc lưu trữ năng lượng như là một trong những giải pháp khắc phục sự gián đoạn năng lượng ảnh hưởng đến năng lượng tái tạo, ví dụ như năng lượng mặt trời.

Rõ ràng, với tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo, ASEAN có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm mới để triển khai, đổi mới và đầu tư năng lượng tái tạo, The ASEAN Post nhận định.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ The ASEAN Post & Aseanenergy)