Cánh đồng đậu phộng ở phường Hương Văn đang thiếu nước

Vào cuối tháng Chạp hàng năm, người dân trồng đậu phộng bắt đầu xuống giống, qua các mùa vụ, tại nhiều địa phương có thổ nhưỡng phù hợp, loại cây này mang lại giá trị cao. Song, vụ đông xuân này, dân trồng đậu phộng đứng trước mùa vụ thất bát.

Thị xã Hương Trà là một trong những địa phương có diện tích đậu phộng lớn nhất tỉnh. Loại cây trồng ngắn ngày này mang lại thu nhập chính cho người dân ở các phường Hương Văn, Hương Vân, Hương Xuân… thế nhưng, mùa đậu phộng này, thời tiết nắng nóng, thiếu nước tưới khiến đậu phộng mất mùa. “Khoảng 50 ha ở địa phương sản lượng khả năng giảm 2/3 so với mùa vụ trước”, ông Lê Đình Hóa, Chủ tịch UBND phường Hương Văn (TX. Hương Trà) nói.

Hạn hán, nông dân buồn rầu vì đậu phộng… khát nước. Lâu nay, tại thị xã Hương Trà dường như chẳng có hệ thống tưới tiêu nào để phục vụ cho loại cây trồng này, người trồng chủ yếu trông vào nguồn nước tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Bé phường Hương Văn thở dài: “Trồng hoa màu hay đậu phộng chỉ trông chờ vào nguồn nước tự nhiên chứ không có thủy lợi. Năm nay khô hạn, cây đậu phộng phát triển kém”.

Thông tin từ phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, toàn thị xã có gần 1.000 ha đậu phộng. Tuy nhiên, một nửa diện tích trong số đó đang thiếu nước. Ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà cho biết: “Vừa qua, tại Hương Trà có đợt mưa dông nên nhiều diện tích hoa màu và đậu phộng được bổ sung nước. Song, hiện tại các vùng đất cát tình trạng thiếu nước vẫn đang diễn ra. Số diện tích này thuộc các khu đất vườn không chủ động được nguồn nước”.

Một số diện tích đậu phộng ở Phong Sơn chết non

Cùng chung cảnh ngộ như Hương Trà còn có nhiều địa phương khác. Huyện Phong Điền là tâm điểm của mùa khô hạn năm nay. Cánh đồng đậu phộng ở các xã thuộc huyện Phong Điền đang xảy ra tình trạng thiếu nước. Tại thôn Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) những mùa mùa vụ trước, là nơi canh tác, sản xuất hoa màu của người dân. Và cây đậu phộng luôn cho năng suất cao. Nhưng thời điểm này, nhiều diện tích cũng đang rơi vào cảnh mất mùa, chết non. Một số sào, tỉ lệ chết non lên đến 70%.

Theo người dân thôn Hiền Sỹ, chưa bao giờ, người trồng đậu phộng lại điêu đứng vụ đông xuân năm nay. Lúc mới gieo trồng, đậu phộng phát triển khá tốt, thế nhưng, 1 tháng trở lại đây, khi cây bắt đầu cho hoa thì xảy ra tình trạng chết ẻo (chết non, tỉ lệ chết cao khiến sản lượng đậu phộng giảm hẳn).

Lý giải nguyên nhân nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa đậu phộng, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho rằng, những cánh đồng đậu phộng thiếu nước nghiêm trọng và nông dân chọn mua nguồn giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng dẫn đến tình trạng này. “Toàn xã Phong Sơn có khoảng 360 ha đậu phộng. So với các năm trước, thời tiết năm nay khiến đậu phộng bị chết với tỉ lệ cao. Diện tích cây chết nằm xen lẫn chứ không tập trung. Hệ thống kênh mương tưới tiêu đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích không chủ động được nguồn nước mà chỉ trông chờ vào tự nhiên. UBND xã cũng đã có tờ trình  xin ý kiến huyện xây dựng trạm bơm tưới cho khu vực trồng đậu phộng ở thôn Hiền Sĩ, song chưa có quyết định phân bổ vốn đầu tư”, ông Tuấn Anh nói.

Bà Trần Thị Diệu Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết: “Hiện nay, diện tích đậu phộng tại huyện Phong Điền bị chết nằm rải rác ở những khu vực gặp khó khăn về nước tưới. Năm nay, người dân trồng gặp khó khăn vì thời điểm cây đậu phộng đâm tia, ra hoa đúng vào lúc nắng nóng. Vì vậy, năng suất sẽ thấp”.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông xuân này, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng gần 3.000 ha đậu phộng. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích đậu phộng đang trong giai đoạn ra hoa – đâm tia. “Đối với hoa màu nói chung, đậu phộng nói riêng thì không có hệ thống thủy lợi riêng, nông dân chỉ lợi dụng kênh mương ở các vùng trồng lúa để tưới tiêu. Ngoài ra, họ sử dụng máy bơm, đóng giếng để có nguồn nước tưới. Cây đậu phộng còn khoảng hơn một tháng nữa sẽ thu hoạch, nông dân cần tận dụng nguồn nước tại các khe suối, đắp đập tạm trước khi xuất hiện những trận mưa giông bổ sung nguồn nước.”, ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho hay.

Bài, ảnh: Thọ Dũng