Tính đến đầu năm 2019, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán, kết thúc đàm phán một số FTA, mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một nguyên tắc chung của FTA là có qua có lại. Tôi mở cửa thị trường, ưu đãi thuế quan cho anh thì ngược lại anh cũng phải có những chính sách tương tự. Tất nhiên không phải cào bằng mà căn cứ tình hình thực tế, trình độ phát triển của mỗi quốc gia mà có lộ trình cắt giảm thuế quan và mức độ ưu đãi khác nhau.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam được hưởng lợi nhiều khi tham gia các FTA, nhất là với các ngành có nhiều lợi thế như dệt may, thủy sản, nông sản… Tuy nhiên, Việt Nam cũng là “đích ngắm” của các doanh nghiệp nước ngoài với thị trường gần 100 triệu dân, có sức mua lớn.

Một thực tế, sản xuất của nước ta có quy mô nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chú trọng đến xuất khẩu. Còn với thị trường nội địa thì ít quan tâm đầu tư phát triển, thậm chí tư duy theo kiểu “nhà vườn ăn cau sâu”. Trong khi đó, tiêu dùng sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp là yêu cầu chính đáng của người tiêu dùng. Đây chính là cơ hội cho hàng hóa nước ngoài thâm nhập vào thị trường trong nước. Chẳng hạn, mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu là thế mạnh nước ta, với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt gần 8,5 tỷ USD, nhưng mới đây, tập đoàn bán lẻ đồ nội thất, thiết kế Thuỵ Điển - IKEA công bố kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống trung tâm bán lẻ, kho hàng tại Hà Nội, với vốn đầu tư khoảng 450 triệu euro, khiến không ít các nhà sản xuất đồ gỗ phải giật mình.

Tôi từng tiếp xúc với một số doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh, họ rất tự hào khi ký kết được hợp đồng gia công, sản xuất theo thiết kế của IKEA. Nay có lẽ họ cũng cần nhìn lại chiến lược phát triển của mình. Tại sao mình xuất cho họ rồi họ lại đưa vào tiêu thụ nội địa mà vẫn đứng được? Còn mình hiểu thói quen tiêu dùng, thị hiếu, phong tục; chi phí vận chuyển thấp… lại không tận dụng được lợi thế sân nhà, cứ mãi là người làm thuê.

Với các mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây, thịt gia súc, gia cầm… việc sản xuất không theo quy trình quản lý, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và tiêu thụ chủ yếu qua kênh chợ truyền thống, khiến người tiêu dùng luôn “phập phồng” về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay cả thị trường Trung Quốc vốn được coi là dễ tính đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta, nay cũng siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu, gây nhiều khó khăn cho nông sản Việt.

Thực tế đó đặt ra, ngoài các chính sách, hỗ trợ của Nhà nước, hơn ai hết, chính các doanh nghiệp, người sản xuất cần tư duy lại chiến lược kinh doanh, thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn đảm bảo các yêu cầu truy xuất nguồn gốc để vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa vừa hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết cùng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm và cùng chia sẻ lợi ích. Khi đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và với  tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chắc chắn hàng Việt sẽ đứng vững trên sân nhà.

Hoàng Minh