Đến bây giờ, làng vật toàn quốc vẫn còn những khen ngợi dành cho tuyển vật Huế bởi những thành tích tại giải cúp vật cổ điển, vật tự do quốc gia – sân chơi được đánh giá khốc liệt hơn giải vô địch quốc gia - khi là “tỉnh lẻ” đầu tiên trên cả nước giành 2 cúp vô địch nội dung tự do nữ ở các năm 2016, 2018. Cũng tại giải đấu này diễn ra vào tháng 3 mới đây, nếu không thua Hà Nội về số HCB, với 3HCV, các nữ học trò của HLV Đinh Văn Kiên đã lập “hat-trick” ở giải đấu này.
Tuyển vật Huế có lợi thế giành huy chương ở các đấu trường
Còn trước đó, sau những thành tích cùng khả năng có thể tiến xa hơn, từng có thời điểm, không ít tỉnh, thành đánh tiếng “mua” nguyên dàn VĐV nữ “mới ra ràng” của tuyển vật Huế. Tất nhiên, câu chuyện này không được Huế đồng ý, nhưng đó chính là dấu hiệu để khẳng định tiềm năng, đẳng cấp của vật Cố đô.
Ở góc độ tiềm năng, ngoài tố chất, khả năng chịu khó chịu khổ, cần cù trong tập luyện thì nguồn VĐV kế thừa của vật Huế khá dồi dào khi ngoài 2 hội vật làng Sình và Thủ Lễ diễn ra hằng năm, tạo điều kiện cho hàng trăm thanh thiếu niên có cơ hội bộc lộ năng khiếu, tài năng thì bộ môn vật đã và đang phát triển ở một số trường học trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để tuyển vật Huế có thể tuyển chọn người tài, bổ sung lực lượng, tiến tới “bay cao, bay xa” hơn những gì đang có.
Vật có 3 nội dung: tự do nam, nữ; cổ điển và dân tộc. Nếu theo dõi hành trình tuyển vật Huế từ ngày thành lập đến nay, mọi thành tích chủ yếu ở nội dung đầu tiên. Câu hỏi đặt ra, chỉ riêng nội dung tự do, vật Huế đã đóng góp không ít vào thành tích chung của thể thao Thừa Thiên Huế. Nếu thành lập thêm tuyến VĐV vật dân tộc và cổ điển, thành tích tuyển vật Huế nói riêng, thể thao tỉnh nhà nói chung có thể tiến thêm một bước dài cả ở đấu trường quốc gia lẫn quốc tế khi mà ở 2 nội dung này, tuy không dành cho nữ nhưng với việc có khá nhiều hạng cân, đây chính là “mỏ vàng” thành tích nếu “khai thác” tốt.
Tuy không vươn tầm quốc tế nhưng vật dân tộc cũng là "mỏ vàng" tại các giải quốc gia, ĐH TDTT
Vật dân tộc, vật cổ điển có luật khác vật tự do khi vật dân tộc không tính điểm, chỉ cần nhấc bổng đối phương khỏi mặt đất là thắng, còn vật cổ điển chỉ được phép đánh từ thắt lưng trở xuống, nhưng chung quy, lối đánh vẫn na ná nhau. Nghĩa là, trên nền tảng vật tự do sẵn có, các VĐV tuyển vật Huế có thể nhanh chóng dự tranh nội dung cổ điển, dân tộc sau khi cơ bản được huấn luyện, được làm quen luật thi đấu.
Huế có khá nhiều đô vật trẻ
Như HLV tuyển vật Huế - Đinh Văn Kiên đánh giá, việc thành lập, đầu tư cho vật là một chủ trương đúng đắn của tỉnh, của ngành khi bộ môn này nhanh chóng gặt hái được nhiều vinh quang cũng như hội tụ đủ tiềm năng để tiến xa thêm một bước. Với những thuận lợi như vậy, nên chăng thể thao Thừa Thiên Huế phát triển thêm 2 nội dung nói trên để đưa thành tích lên một tầm cao mới.
Nhìn ra một số tỉnh, thành khác, đơn cử như Bắc Giang, bộ môn vật có 5 HLV và hơn 200 VĐV của 3 tuyến. Với lực lượng khá dày, việc địa phương này “chơi” đủ 3 nội dung tự do, dân tộc và cổ điển là điều dể hiểu. Trong khi đó, tuyển vật Huế chỉ có 32 VĐV cho cả 3 tuyến và 1 HLV thì không thể nào “ôm” hết được. “Nếu tăng thêm chỉ tiêu 10-15 VĐV, cùng 1-2 HLV thì sau thời gian ngắn, chuyện tuyển vật Huế có thể khai thác “mỏ vàng” cổ điển và dân tộc là có cơ sở”, HLV Đinh Văn Kiên chia sẻ.
Ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng Trường TC TDTT tỉnh nhìn nhận, hiện số lượng VĐV, HLV của thể thao Huế vẫn ít hơn nhiều tỉnh, thành khác. Điều này khiến việc phát triển thêm một số nội dung của những môn trọng điểm chứ không riêng gì vật nhằm góp phần nâng cao thành tích cho thể thao tỉnh nhà còn hạn chế. “Nếu những môn trọng điểm nói chung, vật nói riêng được tăng cường chỉ tiêu để phát triển thêm nội dung có khả năng giành thành tích cao là chuyện rất đáng mừng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, trước mắt cứ xem là một đề xuất cho tương lai, còn hiện tại, cứ “liệu cơm, gắp mắm”, ông Quang nói.
Nội dung: VÕ NHÂN
Thiết kế: QUANG THIỀU