Phản ánh hiện trường giúp xây dựng đô thị thông minh. (Trong ảnh: Đô thị Huế nhìn từ cầu Dã Viên)

Kênh tương tác đa chiều

Hơn 3 tháng qua, người dân đã quen thuộc với việc sử dụng điện thoại thông minh để phản ánh những hình ảnh, clip “chướng tai, gai mắt” đến Trang thông tin tương tác: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn. Những thông tin này sẽ được Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) xác minh, tiếp nhận và xác định nhóm lĩnh vực phản ánh để phân phối kiến nghị, đề xuất trực tiếp đến các cơ quan chức năng liên quan phối hợp xử lý. Đây là một kênh “cảm biến xã hội” tương tác đa chiều thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân.

Trước đây, người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, bằng cách nào, thì nay khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ cần gửi đến địa chỉ này. Ông Nguyễn Viết Hóa, một người dân ở phường Trường An (TP. Huế) chia sẻ, từ khi có kênh tương tác này, người dân có thể dễ dàng phản ánh, kiến nghị những bức xúc, những vấn đề “trái khoáy” phải chứng kiến hằng ngày đến với cơ quan quản lý nhà nước. Cái hay của phản ánh hiện trường là mỗi người dân đều có thể theo dõi kết quả xử lý sau các phản ánh, kiến nghị của mình một cách công khai minh bạch. Ví như đi qua các khu vực đô thị mới thấy tràn ngập rác thải xây dựng hoặc tình trạng thả bò giữa đường chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay clip gửi về IOC để được sớm xử lý.

Tình trạng đổ rác thải xây dựng bừa bãi tại các khu quy hoạch mới

Trên tất cả các lĩnh vực: trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường, hạ tầng giao thông, đô thị, trật tự an toàn xã hội và ngay cả chất lượng dịch vụ du lịch, hạ tầng viễn thông... hay các hành vi chậm trễ, gây phiền hà, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đều có thể phản ánh qua kênh này. Người dân tương tác đến địa chỉ này với mong muốn ngoài việc tiếp nhận thông tin phản ánh, việc chỉ đạo xử lý của các cơ quan chức năng phải được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ và kịp thời hơn nhằm tạo sự tin tưởng đối với người dân sau khi đã phản ánh.

Ông Nguyễn Dương Anh, Giám đốc IOC thông tin, với hệ thống này người dân dễ dàng truy cập từ thiết bị di động được kết nối internet để gởi, cũng như có thể theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình. Các thông tin tương tác của người dân đều được công khai trên môi trường mạng. “Về khía cạnh người dân, sẽ tăng niềm tin và sự chủ động của mình khi tương tác với cơ quan Nhà nước. Ngược lại, cơ quan quản lý có công cụ theo dõi giám sát một cách tập trung, từ đó giám sát và quy trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận xử lý thông tin tương tác của người dân”- ông Nguyễn Dương Anh phân tích.

Hướng đến đô thị thông minh

Theo thông tin từ IOC, qua hơn 3 tháng triển khai “Phản ánh hiện trường”, quy trình phối hợp và xử lý phản ánh đã triển khai thí điểm hoàn thiện. Đến nay, có 68 cơ quan, đơn vị tham gia vào xử lý phản ánh; tiếp nhận gần 1.000 lượt phản ánh, kiến nghị từ công dân/tổ chức, trong đó có nhiều lượt phản ánh, kiến nghị đã được xử lý và có kết quả cụ thể từ các cơ quan chuyên môn. Các phản ánh phần lớn tập trung vào lĩnh vực vệ sinh môi trường, hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, dịch vụ sự nghiệp công ích, dịch vụ hành chính công, dịch vụ du lịch…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá, “Phản ánh hiện trường” là kênh tương tác đa chiều, xây dựng theo hướng mở, linh động, giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng và tham gia phản ánh kiến nghị. Phương thức giám sát hiện đại này đã giảm bớt khâu xử lý trung gian, đánh giá kết quả xử lý công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, khắc phục được những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức thực hiện theo mô hình cũ. Quan trọng nhất là đã cắt giảm được các bước quy trình hành chính từ công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp mà thông qua hình thức xử lý trực tiếp dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, sau 3 tháng triển khai, “Phản ánh hiện trường” cũng bộc lộ một số vấn đề cần khắc phục. Đó là số lượng phản ánh ngày càng nhiều, các góp ý của công dân ngày càng gay gắt, áp lực ngày càng lớn, đòi hỏi nhân sự tiếp nhận phải đảm bảo về số lượng, thời gian và kinh nghiệm để tiếp nhận và xử lý các tình huống, nhất là tình huống khẩn cấp. Một số đơn vị chưa kịp thời xây dựng cơ chế tham gia vào hệ thống, nên khi gặp trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý các đơn vị này đều rơi vào tình trạng lúng túng, thời gian và kết quả giải quyết không được như mong muốn. Sự tham gia của người dân, nhất là cán bộ, công chức vào “Phản ánh hiện trường” chưa cao.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, sắp tới, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị toàn tỉnh nhằm triển khai các nội dung “Phản ánh hiện trường” sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, mở rộng tiếp nhận phản ánh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc triển khai thành công giải pháp “Phản ánh hiện trường” là cơ sở để triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh khác trong thời gian tới, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ tốt nhất.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH