Nơi đầu tiên có ban giám đốc HTX không nhận lương

Trưởng thôn Bến Ván nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc, ông Hồ Đa Thê kể: Lúc đầu, do trồng rừng theo tập quán: phát-đốt-cuốc-trồng, năng suất, chất lượng cây trồng không cao; mặt khác, do chưa thấy lợi ích của trồng rừng gỗ lớn nên các lâm hộ sau 4-5 năm trồng là khai thác, thu nhập chỉ từ 40-50 triệu đồng/ha. Năm 2016, khi Hội chủ rừng phát triển bền vững (FOSDA) của tỉnh thành lập, chúng tôi thành lập chi hội tham gia thực hiện chứng chỉ rừng (FSC) quy tụ 25 thành viên. FOSDA làm cầu nối giúp chi hội bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ chi phí trong quá trình đánh giá để được cấp chứng chỉ rừng FSC. Sau gần 2 năm hoạt động, đến tháng 4/2018, chúng tôi thành lập HTX.

Thấy được lợi ích từ trồng rừng bền vững, các hộ còn lại đều tự nguyện xin gia nhập, nâng tổng số thành viên lên con số 52. Toàn bộ 507 ha rừng trồng ở Bến Ván hiện nay là của HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc. Để có vốn hoạt động, mỗi thành viên của HTX  góp 10 triệu đồng, riêng tôi góp 120 triệu đồng. Được bầu làm giám đốc, cả tôi và anh Hồ Đắc Ngự, phó giám đốc đều tự nguyện xin không nhận lương trong vòng 1 năm và cam kết, nếu lỗ ban giám đốc xin gánh chịu.

Tôi hỏi: Do đâu mà các ông không nhận lương?

"Vì  mới đi vào hoạt động chi phí nhiều, trong khi HTX chưa có nguồn thu mà mỗi tháng phải dành vài chục triệu đồng để chi trả lương. Anh em chúng tôi bàn với nhau, mình góp vốn nhiều, lỗ mình chịu phần tương ứng nên cả hai đồng lòng xin không nhận lương năm đầu, khi nào hoạt động mang lại hiệu quả hãy tính", ông Hồ Đa Thê giãi bày.

Những hộ khác không có rừng có gia nhập HTX được không?

"Được, với điều kiện ngoài góp vốn, họ phải đóng phí môi trường và phòng chống cháy rừng. Công ty Sản xuất giống thân thiện môi trường Vũ Minh ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc) gia nhập HTX chúng tôi theo hình thức này", ông Thê trả lời.

Nhờ trồng rừng gỗ lớn

Phó Giám đốc HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc - Hồ Đắc Ngự kể cho chúng tôi nghe về lợi ích khi tham gia FSC. Trước khi vào HTX, chi hội đã có 10 thành viên khai thác rừng trồng 8 năm tuổi, trừ chi phí khai thác 1ha mang lại từ 220-250 triệu đồng. Riêng gia đình tôi tháng 4/2018 mới khai thác 0,86 ha nhưng khi bán thu được 297 triệu đồng.

Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho các lâm hộ tham gia FSC ở Thừa Thiên Huế  là Công ty Chế  biến gỗ Minh An ở TX. Hương Thủy, thành viên của Công ty Scansia Pacific ở Đồng Nai.

Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific Nguyễn Chiến Thắng thông tin: Để có vùng nguyên liệu ổn định cung cấp cho các nhà máy, thông qua FOSDA Thừa Thiên Huế, Scansia Pacific hình thành nhóm hỗ trợ kỹ thuật cho các lâm hộ tham gia FSC.

Đối với những lâm hộ có rừng trồng trên 5 năm tuổi nếu có nhu cầu về vốn để chăm sóc thành rừng gỗ lớn, chúng tôi sẽ cho vay (lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại 2%) trong vòng 3 năm với tổng mức 12 triệu đồng/ha và khi thu mua, chúng tôi cam kết giá cao hơn thị trường từ 10-15%.

Ngoài ra, chúng tôi còn cam kết với FOSDA Thừa Thiên Huế hỗ trợ chi phí  thẩm định để cấp chứng chỉ FSC cho các lâm hộ trong vòng 5 năm.

Từ chỉ mới mua được 3.900m3 trong năm 2017, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Minh An, doanh nghiệp này đã thu mua được 10.665 m3 gỗ có FSC trong năm 2018 và dự kiến năm nay con số này sẽ xấp xỉ 20.000m3.

Ngoài trồng rừng gỗ lớn, sau khi thành lập, HTX Lâm nghiệp bền vững Hòa Lộc đã triển khai các dịch vụ. Đó là lập vườn ươm cây giống thân thiện môi trường, giải quyết việc làm cho 30 lao động; trừ chi phí bước đầu đã thu lãi 30 triệu đồng và đầu tư xưởng bóc gỗ ván ép; giải quyết việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 5-8 triệu đồng /người/tháng.

Ông Hồ Đa Thê cho biết, trong quý 3/2019, sẽ thành lập thêm nhà máy cưa xẻ nhằm sơ chế nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ.

PHẠM HỮU THU