Áp lực, bất an
Năm 2018 là một năm buồn của ngành giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung, khi vụ việc đường dây chạy điểm, nâng điểm thi THPT diễn ra đồng loạt tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Tại Sơn La, thậm chí có thí sinh được nâng tới 26,55 điểm trên tổng số các môn tham gia thi. Mặc dù cơ quan điều tra đã đưa ra ánh sáng những cá nhân sai phạm nhưng không thể phủ nhận rằng, tâm lý e ngại sự mất an toàn trong kỳ thi THPT quốc 2019 là vẫn còn. Thí sinh, phụ huynh vẫn rất hoang mang, lo ngại dư âm về những sai phạm xảy ra trên diện rộng đó có ảnh hưởng tới kỳ thi năm nay?
Cán bộ coi thi kiểm tra danh sách thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018 tại một điểm thi ở Hà Nội. Ảnh: V.P
Võ Hoàng Anh là học sinh THPT Cầu Giấy - Hà Nội, em cho biết, năm nay mình đăng ký thi vào trường Đại học Ngoại Thương nên áp lực không hề nhỏ. “Những năm gần đây, điểm đầu vào của trường này nằm ở top ngày càng cao. Thậm chí, 8,9 điểm một môn vẫn đang trong nguy cơ trượt nên chúng em ôn thi rất vất vả. Hiện tại, em đang đi học một ngày 3 ca, đêm về cũng cố gắng dành thời gian tự ôn luyện ở nhà. Biết là áp lực, nhưng chúng em muốn cố gắng để vào được trường Đại học ưng ý. Tuy nhiên, điều chúng em mong muốn nhất không phải là việc giảm tải mà là Bộ GDĐT phải đảm bảo được một kỳ thi công bằng cho chúng em. Để những người bỏ công sức học tập không bị chặn mất con đường vào ngôi trường mơ ước”.
Anh Hoàng Ngọc Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) - phụ huynh có con năm nay tham gia kỳ thi THPT 2019 cho biết, hiện đã tới thời điểm nước rút trong việc ôn thi của con: “Hiện tại, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cũng nhận thấy nhiều thông tin tích cực từ phía Bộ GDĐT về việc đảm bảo an toàn, công bằng, minh bạch cho kỳ thi THPT 2019. Thế nhưng, phụ huynh chúng tôi vẫn rất mong mỏi rằng, những nỗ lực của các con sẽ không bị một “thế lực” nào đó chặn đứng. Đã thi cử là phải minh bạch, công bằng, có như vậy thì các thí sinh mới không bị thiệt thòi, từ đỗ thành trượt”.
Nỗ lực đổi thay
Để lấy lại niềm tin của xã hội, năm 2019, Bộ GDĐT đã có nhiều động thái thay đổi về mặt quy trình, cách thức để đảm bảo tính an
Các mốc thời gian cần lưu ý khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 1/4 - 20/4: Thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi Trước 20/5: Thí sinh gửi hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về Sở GDĐT Trước 15/6: Thí sinh sẽ nhận được giấy báo đăng ký dự thi tại nơi mà thí sinh đăng ký Ngày 24/6: Thí sinh làm thủ tục dự thi Ngày 25/6 - 27/6: Thi THPT Quốc gia |
toàn, công bằng và minh bạch của kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cụ thể, phần mềm chấm thi trắc nghiệm chuyên dụng của Bộ GDĐT được tăng tính bảo mật, tăng tính an toàn trong các khâu sao chép điểm thi, mở niêm phong bài thi…
Camera an ninh được sử dụng trong quá trình bảo quản đề thi. Các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ, có công an bảo vệ, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ: “Năm nay, sau khi tiếp thu đầy đủ và rút kinh nghiệm sâu sắc về kết quả tổ chức kỳ thi năm 2018, Bộ đã thảo luận, xây dựng quy chế, hàng rào kỹ thuật cố gắng làm thế nào để giảm tối đa những hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ thi. Năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia để lại cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ. Chúng ta cũng thấy nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi. Có thể khẳng định, đầu tiên xuất phát từ con người, những người trực tiếp làm công tác này có thể dẫn đến sai phạm không nhỏ, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngành giáo dục, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội đối với chúng ta trong việc tổ chức kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia”.
Đối với công tác đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) chia sẻ: “Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt. Để đạt được điều này, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải lớn hơn, rộng hơn, tham gia nhiều khâu hơn. Một phần yêu cầu là các trường này sẽ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm. Câu chuyện này còn dài và sẽ triển khai tập huấn cụ thể thông qua quy chế”.
Ông Trinh cũng nhấn mạnh rằng, trong kỳ thi năm nay, các trường Đại học phải đặc biệt chú trọng tới việc lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi, bởi đây là vấn đề mang tính quyết định. Những cá nhân này phải là người có tinh thần trách nhiệm, hiểu biết về thi cử và sẽ tham gia cả vào khâu chấm thi sau này.
Được biết, năm nay vai trò của các trường Đại học được nâng cao khi họ được chủ động chấm thi trắc nghiệm. Bộ GDĐT giao việc chấm thi trắc nghiệm theo nguyên tắc có thể một trường sẽ chấm cho một số tỉnh và chấm thi tại địa phương. Toàn bộ cơ sở vật chất chấm thi trắc nghiệm do địa phương lo.
"Như vậy, có thể nói, Bộ đã chọn mặt gửi kim cương, nhưng kèm nỗi lo, vì trong thời gian dài nhiều trường không chấm thi trắc nghiệm. Đây là một trong những rủi ro" – ông Mai Văn Trinh chia sẻ.
Về mặt nhân sự, các trường tham gia chấm thi sẽ đề nghị danh sách từ 5 - 8 người. Từ đó, hội đồng thi của Sở GDĐT sẽ chọn lựa ra ban chấm thi chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia.
Nói về ý kiến sử dụng camera trong phòng thi để tăng tính minh bạch, ông Trinh cho hay: “Giải pháp này cũng được chúng tôi cân nhắc từ lâu. Nhưng điều quan trọng vẫn là trách nhiệm của 2 cán bộ coi thi; trong mỗi phòng thi có 24 thí sinh. Trung bình mỗi thầy cô chỉ quan sát 12 thí sinh.
Việc sử dụng camera cũng liên quan đến nhiều yếu tố khác, như tác động đến tâm lý làm bài của thí sinh; rồi cũng là cơ hội để lộ lọt đề thi ra ngoài… Nên việc sử dụng camera trong các phòng thi với phương thức thi như hiện nay là giải pháp cần cân nhắc rất kĩ. Chính vì vậy, năm 2019, chúng tôi chưa đặt vấn đề tổ chức camera trong các phòng thi khi chúng ta vẫn còn thi trên giấy”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ “ngồi ghế nóng” kỳ thi THPT Quốc gia 2019 Bộ GDĐT vừa ban hành Quyết định số 810/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học hệ chính quy, tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 và Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia năm 2019 gồm 37 thành viên, trong đó Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ là Trưởng ban, cùng với hai Phó trưởng ban thường trực, hai Phó trưởng ban, hai Ủy viên thường trực và 30 Ủy viên. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo gồm 32 thành viên. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2019 theo đúng Quy chế của Kỳ thi. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký do Trưởng ban Chỉ đạo phân công. Ban Chỉ đạo sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ của kì thi THPT Quốc gia và các công việc tuyển sinh khác có liên quan. |
Theo Dân việt