Mỹ tăng cường hợp tác với các nước ASEAN. Ảnh minh hoạ: USASEAN

Theo đó, Washington rất quan tâm đến việc tài trợ cho các cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng, kỹ thuật số và viễn thông trong khối ASEAN, thông qua Tổ chức Đầu tư tư nhân hải ngoại Mỹ (OPIC). Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm tăng cường hợp tác với các nước từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế và củng cố an ninh.

Trong một cuộc họp báo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok, Thái Lan hồi cuối tuần qua, ông Eric Jones - quan chức cấp cao của OPIC nhấn mạnh, ASEAN là trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vì các nước này nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Joseph Felter - Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á cho biết, khái niệm trung tâm ASEAN rất quan trọng đối với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là lý do tại sao Mỹ tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực như Thái Lan, Việt Nam…

Được biết, Tổ chức Đầu tư tư nhân hải ngoại Mỹ OPIC cung cấp các khoản tài trợ bằng nợ (debt financing), bảo hiểm rủi ro chính trị và quỹ đầu tư tư nhân cho các công ty Mỹ muốn đầu tư ra nước ngoài. Năm 2018, tập đoàn đã phân bổ 4 tỷ USD để tài trợ cho các dự án ở khu vực ASEAN, trích từ ngân sách 29 tỷ USD của vốn rủi ro.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là huy động vốn tư nhân cho các dự án phát triển, nhất là ở các nước đang phát triển. Chúng tôi hướng tới mục tiêu đầu tư để duy trì chủ quyền của các quốc gia thông qua các dự án tài chính lâu dài, bền vững với môi trường và có tiêu chuẩn lao động cao”, ông Jones khẳng định.

Một trong số các dự án ở khu vực ASEAN được OPIC tài trợ gần đây có thể kể đến là liên doanh viễn thông trị giá 250 triệu USD tại Myanmar. Tổ chức này cũng đã đầu tư 200 triệu USD vào một công ty Mỹ hiện đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Thái Lan. Sau cuộc bầu cử vừa diễn ra ở nước này, ông Jones cho biết Chính phủ Mỹ và khu vực tư nhân rất mong muốn được hợp tác và làm việc với chính quyền Thái Lan kế tiếp về các khoản đầu tư của Mỹ vào quốc gia này.

Thông tin từ The Nation cũng cho biết, trong năm 2019, ngân sách OPIC cho vốn rủi ro sẽ tăng từ 29 tỷ USD lên 60 tỷ USD, mở rộng thêm cơ hội cho đầu tư của Mỹ vào ASEAN. Đáng chú ý, khu vực tư nhân của Mỹ vẫn rất quan tâm đến việc đầu tư vào các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này từ các công ty Mỹ đạt tổng cộng 140 nghìn tỷ USD.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Nation)