Hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Máu là nguồn sống, là loại “thần dược”, không gì thay thế được, dù khoa học y tế đã phát triển đến trình độ cao. Hiện nay, nhu cầu về máu tại các bệnh viện để cứu sống người là vô cùng cấp thiết. Theo tính toán, mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì bị mất máu do chấn thương, tai nạn, xuất huyết... Bên cạnh đó, có rất nhiều căn bệnh gây thiếu máu như ung thư máu, máu không đông, sốt rét, suy tủy... Ngoài ra, các phương pháp điều trị như phẫu thuật, ghép tạng... một số trường hợp cũng rất cần truyền bổ sung máu.
Nhiều năm trở lại đây, hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu, các nhiều tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến trong nhận thức về việc hiến máu cứu người. Ngày hội hiến máu nhân đạo được tổ chức rầm rộ trên khắp cả nước, được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Riêng huyện Quảng Điền trong hiến máu nhân đạo đợt I-2014 đã thu hút hơn 500 người tham gia, thu được hơn 335 đơn vị máu. Rất nhiều người tham gia hiến máu trên 20 lần. Đặc biệt, anh Văn Sinh, thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ đã có 40 lần hiến máu cứu người. Trên địa bàn tỉnh, ngoài sự tham gia đông đảo của những người có nhóm máu thường, còn có sự tham gia tích cực của những người có nhóm máu hiếm Rh âm. Họ đã tham gia vào câu lạc bộ Người có nhóm máu hiếm, sẵn sàng nhanh chóng đến bệnh viện để cho máu, tiểu cầu đối với những trường hợp cần máu cùng thuộc nhóm máu hiếm, khi nhận được điện thoại từ bác sĩ...
Theo nghiên cứu, cơ thể sau khi hiến máu, lượng máu trong người sẽ được “làm mới”. Sức khỏe người sau khi cho máu vẫn đảm bảo. Ý nghĩa cũng như lợi ích của việc hiến máu đã rất rõ. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, lực lượng tham gia hiến máu đang tập trung nhiều ở các đối tượng là công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên. Một bộ phận những người lao động tự do, người đứng ngoài các tổ chức chính trị xã hội… tham gia hiến máu nhân đạo vẫn còn hạn chế. Để phong trào hiến máu nhân đạo thực sự được phát triển rộng khắp, cần nêu cao vai trò của các tổ chức, chính trị, xã hội, đoàn thể, chính quyền các địa phương, trưởng các thôn, bản… trong việc tập hợp, vận động quần chúng nhân dân tham gia hiến máu. Phát huy cao hơn nữa tinh thần nhân ái, nhân đạo của con người Việt Nam trong việc hiến máu cứu người. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, tôn vinh, có chính sách hợp lý cho người hiến máu là động lực hết sức quan trọng, để thu hút lượng người tham gia hiến máu được nhiều hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu máu để cứu người tại các bệnh viện hiện nay!
Đặng Thành