Một trong những phà vỏ thép "đắp chiếu" hơn 1 năm nay

Phơi nắng, dầm mưa

Tại bến đò Vĩnh Tu (Quảng Ngạn, Quảng Điền), hàng ngày, hành khách “vượt phá” bằng thuyền gỗ chồng chềnh, đối diện với hiểm nguy nhưng ngay cạnh bến thuyền này, các phương tiện phà vỏ thép lại “đắp chiếu”.

Tháng 11/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tài trợ 3 phà vỏ thép (mỗi phà dài hơn 14m, rộng hơn 3m, công suất 64CV, trị giá gần 600 triệu đồng) cho huyện Quảng Điền. Các phương tiện này đều được đăng ký, đăng kiểm đầy đủ.

Sau khi tiếp nhận, huyện Quảng Điền phân bổ số phương tiện trên cho xã Quảng Ngạn, giao HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền trực tiếp quản lý. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, 1 trong 3 chiếc phà đã được chuyển sang phục vụ chở khách du lịch tại khu du lịch sinh thái cộng đồng xã Quảng Lợi; 2 chiếc còn lại được đưa về bến đò Vĩnh Tu nhưng không hoạt động được vì không đủ khách.

Sau thời gian phơi mưa dầm nắng, hơi mặn của nước phá Tam Giang đã làm cho các phương tiện này xuống cấp ít nhiều. Một số phà mạn thuyền bị gỉ rét. Một lái thuyền ở bến Vĩnh Tu cho biết: “Từ khi phà thép mang về khu vực này, muốn chạy cũng khó vì chi phí vận hành rất cao. Nếu thuyền máy gỗ chở khách khoảng 1lít dầu/chuyến thì máy phà vỏ thép “ngốn” khoảng 5 lít dầu/chuyến, trong khi mỗi khách chỉ thu từ 5-10 nghìn đồng nên càng chạy càng lỗ. Khách vẫn chọn đi thuyền gỗ truyền thống vì không thể “ngồi đợi” phà thép đầy khách mới qua sông”.

HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền quản lý 8 phương tiện thuyền gỗ nhưng cũng hoạt động “cầm chừng” bởi khách đi thuyền chủ yếu là học sinh, giáo viên, khách có nhu cầu qua trung tâm huyện làm việc hành chính nên rất ít người đi. Nếu đi phà thép phải đợi đủ khách phà mới chạy thì nhiều người chọn đi đường bộ qua cầu Ca Cút hoặc đập Cửa Lác.

Cần chuyển công năng

Giải thích về nghịch lý người dân vẫn chọn phương tiện thuyền gỗ, trong khi phà thép nằm “đắp chiếu”, ông Phan Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn cho rằng, do thiết kế phà thép có mái che nên khi di chuyển trên vùng đầm phá, đặc biệt vào mùa mưa bão không phù hợp do gió làm phà chồng chềnh; vào mùa nước cạn thì phà không chạy được, người dân đặt lừ vướng chân vịt; chi phí vận chuyển, bão dưỡng rất lớn, trong khi phà thường xuyên hư hỏng nên HTX không “kham” nổi.

Theo quy định, mỗi phà thép chở được 20 người cùng 10 phương tiện xe máy. Nhưng để đủ lượng hành khách cho mỗi chuyến thì phải đợi nên nhiều người chọn di chuyển đường bộ. “Mọi thiết kế, vận chuyển đưa phà thép về đều do nhà tài trợ lo hết, xã chỉ là đơn vị hưởng lợi. Từ khi tiếp nhận phương tiện, UBND huyện Quảng Điền chỉ đạo 1 ngày HTX phải chạy được trên 4 chuyến để đảm bảo nguồn thu. Nhưng thực tế thì không đạt và địa phương cũng chưa biết phương án xử lý các phương tiện này như thế nào”, ông Trí trăn trở.

Ông Trần Thế Lữ, Phó Giám đốc HTX Cơ giới đường sông Quảng Điền khẳng định, từ khi tiếp nhận đến nay gần như các phà thép chưa chở khách được chuyến nào. Để tránh hư hỏng nặng, HTX phải thường xuyên khởi động và bỏ kinh phí duy tu bảo dưỡng, phà thép như trở thành “gánh nặng” cho HTX từ khi tiếp nhận.

Vừa qua cơ quan chức năng về kiểm định yêu cầu bổ sung thêm phao cứu sinh, bình bọt chữa cháy, đến nay đơn vị vẫn chưa có kinh phí để trang bị do phà không hoạt động. Sau khi tiếp nhận phà thép, HTX đã bổ sung bằng máy trưởng, thuyền trưởng cho các nhân viên (theo quy định điều khiển phà này phải có 2 người nếu đi trên khu vực đầm phá và 3 người nếu đi trên biển) nên về nhân lực hiện nay HTX rất dồi dào.

“Phương án hiệu quả nhất hiện nay có thể chuyển đổi phà thép này sang phục vụ chở khách du lịch. Khi đó sẽ có khách, có nguồn kinh phí vận hành, bảo dưỡng về lâu dài”, ông Lữ đề xuất.

Bài, ảnh: Hà Nguyên