Dường như vẫn chưa có một đánh giá cụ thể nào về những tác động của dịch tả lợn châu Phi đối với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 18/3 với điểm phát dịch đầu tiên ở thôn Hiền An (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền). Bản tin thị trường nông sản tháng 2 và tháng 3 trên https://snnptnt.thuathienhue.gov.vn – trong đó có thông tin mới nhất về giá thịt lợn trong tháng 2 và tháng 3/2019 cho thấy có sự lao dốc. Theo đó, giá cân hơi ở tháng 2 giảm từ 1.000 – 2.000 đồng ở khu vực phía bắc (còn từ 46.000- 48.000 đồng/kg) và tăng từ 2.000 đồng/kg ở khu vực phía nam (dao động trong khoảng từ 50.000 – 57.000 đồng/kg); ổn định ở khu vực miền Trung (trong khoảng dao động từ 44.000- 52.000 đồng/kg) nhưng sang tháng 3, tình hình này đã thật sự thay đổi. Giá thịt lợn hơi đã thật sự biến động với tốc độ giảm từ 3.000-5.000 đồng/kg ở miền Bắc và miền Trung (còn 35.000 đến 38.000 đồng/kg). Ở miền Nam, giá đã giảm từ 6.000-10.000 đồng/kg (còn 40.000 đến 46.000 đồng/kg). Dự báo chung đưa ra trong bản tin này là giá thịt lợn sẽ còn giảm mạnh trong thời gian tới, do người chăn nuôi vẫn còn chạy dịch. 23 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi và 85.000 con lợn bị tiêu hủy là một thông tin liên quan khác.
Đây là một tác động kép vì đợt dịch này (cũng như các đợt dịch khác trước đó) đã ảnh hưởng không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn tác động đến các cơ sở cung cấp thịt lợn hơi, người bán lẻ ra thị trường và các dịch vụ ăn uống, chế biến kèm theo. Trong những ngày này, có vẻ như thị trường thịt lợn hơi ở các siêu thị, nhất là các chợ truyền thống đã có dấu hiệu túc tắc trở lại. Song đó vẫn là một trạng thái mua bán rất e dè và cầm chừng, vừa bán vừa thăm dò sức mua. Tôi cũng cảm thấy xót xa cho người chăn nuôi khi không ít quán bún trên địa bàn đã hoàn toàn chuyển sang chuyên bún bò; thậm chí có quán còn dán kèm trên bảng hiệu thông tin “Không có thịt heo”. Đương nhiên đó cũng là điều tiết khách quan của thị trường, song chắc chắn sẽ tạo nên dư chấn không nhỏ đối với người chăn nuôi.
Dù đã giảm bùng phát và có vẻ như đã được khống chế, không để phát sinh thêm diện có dịch mới, song cảnh báo diễn biến phức tạp về dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa kết thúc. Có một vấn đề đặt ra ở đây là sau đợt dịch, người chăn nuôi sẽ lại tái đàn như thế nào và trong tâm thế nào? Nhất là khi các cơ sở chăn nuôi nhỏ, ít có sự đầu tư thì ảnh hưởng do dịch và lan dịch lại càng lớn. Các cơ sở chăn nuôi lớn, các trang trại sẽ tiếp tục kiểm soát tình hình và làm thế nào để bảo tồn được vốn nếu thiếu sự liên kết, cũng như chưa xây dựng hoặc chưa tham gia chuỗi giá trị trong chăn nuôi giữa các bên?.
Có lẽ, đây cũng là thời điểm mà người chăn nuôi cần nhiều thông tin nhất cả về cách phòng dịch, sự “nóng, lạnh” của sức mua trên thị trường, cách giữ và tái tạo đàn sau dịch. Dài lâu hơn, là một cách thức, phương pháp chăn nuôi tốt hơn, hiệu quả hơn như một cách dẫn hướng trên các kênh thông tin để chuẩn bị phương thức cho một mùa nuôi mới.
Minh Hà