Bà con ngư dân hiện rất phấn khởi khi Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn, cải hoán tàu cũ đi đánh bắt xa bờ, tàu hậu cần cho nghề cá, nuôi trồng thủy sản. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng sớm vào cuộc, với gói tín dụng 3 nghìn tỷ dành cho ngư dân 9 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị Quốc hội chấp thuận dành khoản tiền 35.000 tỷ đồng mà bộ này tiết kiệm để đầu tư đóng đội tàu cho ngư dân yên tâm bám biển... Có thể nói, tiền để đóng tàu lớn không phải là thiếu, nhưng để hiện thực hoá giấc mơ vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển cần thực hiện đồng bộ nhiều công việc.

Trước đây, ngư dân chỉ quen sử dụng tàu vỏ gỗ nhỏ, nay đóng được tàu lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại thì vấn đề quản lý, vận hành con tàu sao cho hiệu quả là vấn đề cần đặt ra; trong đó, việc đào tạo nghề cho ngư dân là yêu cầu bức thiết. Đơn cử, để vận hành con tàu lớn, các ngư dân phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và kiến thức để sử dụng cách thiết bị hiện đại, chứ kinh nghiệm là chưa đủ.
Thứ hai, động lực để ngư dân vươn khơi chính là hiệu quả kinh tế khai thác thủy sản. “Buôn có bạn, bán có phường”, huống hồ là việc lênh đênh trên biển. Vì vậy, cần tổ chức lại các mô hình khai thác biển phù hợp theo hướng thành lập các nghiệp đoàn; tổ chức đội tàu hậu cần cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và bao tiêu sản phẩm để giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, giảm chi phí.
Thứ ba, tổn thất sau khai thác lớn là điểm yếu của ngư dân hiện nay. Đơn cử, nghề câu các ngừ đại dương ở nước ta phát triển khá mạnh, nhưng giá trị thấp do đánh bắt, bảo quản không đúng cách. Mới đây, tỉnh Bình Định mạnh dạn cử một số ngư dân có kinh nghiệm sang Nhật Bản học cách đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương. Tỉnh này đầu tư mua 3 bộ dụng cụ đánh bắt tiên tiến về thí điểm. Nếu áp dụng phương pháp đánh bắt mới, cá ngừ đại dương của Việt Nam không chỉ nâng giá trị lên gấp nhiều lần mà còn mở rộng được thị trường.
Thứ tư, hậu cần nghề cá trên bờ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển. Nhưng thực tế, hệ thống cảng cá, dịch vụ hậu cần, sửa chữa, âu thuyền neo đậu... ở nước ta hiện còn rất yếu. Ngay ở tỉnh ta, cảng cá Thuận An năng lực phục vụ thấp, các âu thuyền ở Vinh Hiền, Phú Lộc bị bồi lấp, tàu lớn không vào được khiến nhiều ngư dân phải đưa tàu vào các tỉnh khác neo đậu. Vì vậy, để phục vụ tốt những đội tàu công suất lớn chuẩn bị hình thành, cần ưu tiên đầu tư cho hậu cần nghề cá tương ứng.
Hoàng Giang