Lãnh đạo các quốc gia tham gia RCEP. Ảnh: ASEAN.ORG

Hiện có tiềm năng để khai thác sự đổi mới này để cách mạng hóa sự phát triển trên khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là thông qua các sáng kiến ​​khu vực hỗ trợ những thành viên nhỏ và nghèo hơn.

Nếu các quốc gia ASEAN muốn tối đa hóa những cơ hội này, họ sẽ cần đến các quy tắc quốc tế, khu vực và quốc gia, tạo điều kiện cho công nghiệp hóa kỹ thuật số, xoá bỏ khoảng cách kỹ thuật số và điều chỉnh sự không đồng đều trong phát triển. Tuy nhiên, những quy tắc không phù hợp sẽ lấy đi lợi ích lớn của ASEAN.

Trên tinh thần đó, các quốc gia ASEAN đã và đang thúc đẩy những cam kết ràng buộc từ các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) về thương mại điện tử.

Hồi tháng 2/2015, Ủy ban Đàm phán Thương mại (TNC) của RCEP đã thông qua đề xuất thành lập một nhóm làm việc riêng về thương mại điện tử (WGEC), với mục tiêu chính thức hóa một chương về thương mại điện tử trong thỏa thuận cuối cùng.

Nỗ lực đạt được RCEP

Cũng như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP là một hiệp định thương mại tự do đa phương. Tuy nhiên, RCEP có phạm vi bao phủ lớn hơn, gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, và New Zealand; đồng thời mang lại sự ưu đãi và linh hoạt hơn cho các nền kinh tế kém phát triển.

Với 16 thành viên tham gia RCEP chiếm gần 1/2 dân số thế giới và khoảng 30% tổng GDP toàn cầu, hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư xuyên biên giới và trao đổi chất xám giữa các quốc gia thành viên.

RCEP được khởi xướng vào tháng 11/2012, nhằm thiết lập một nền tảng hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN với các đối tác, trong đó tập trung vào thương mại hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Tại vòng đàm phán mới nhất về RCEP diễn ra ở Campuchia vào đầu tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính đến từ 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã nhất trí tăng cường đàm phán, nhằm hoàn tất RCEP vào cuối năm 2019.

Theo Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko, các Bộ trưởng sẽ nhóm họp lại vào tháng 8, nhằm đưa ra được một thỏa thuận toàn diện và có chất lượng cao trong năm nay. Dự kiến lên đến 8 cuộc họp đàm phán RCEP sẽ diễn ra trong năm 2019.

Trong khi đó, bản tuyên bố chung được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 5, vừa diễn ra từ ngày 4-5/4 tại tỉnh Chiang Rai, Thái Lan khẳng định: “Chúng tôi nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ hợp tác của ASEAN với các đối tác trong khu vực. Chúng tôi mong muốn kết thúc đàm phán Phụ lục Dịch vụ tài chính của cuộc đàm phán RCEP đến cuối năm 2019”.

Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Apisak Tantivorawong cho hay, các thành viên ASEAN kỳ vọng hiệp định thương mại tự do RCEP sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, bù đắp cho các tác động bất lợi của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Đối với thương mại điện tử, Philippines dự kiến các điều khoản về lĩnh vực này của RCEP ​​sẽ được hoàn thành trong nửa đầu năm nay; trong bối cảnh, thương mại điện tử làm giảm đáng kể các rào cản nhập cảnh và chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm 99,6% tổng số doanh nghiệp đã đăng ký tại Philippines.

Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines, ông Ramon M. Lopez, hạn chót để hoàn tất chương về thương mại điện tử cho thấy, việc hoàn thành thỏa thuận RCEP sẽ “không muộn hơn” tháng 11 năm nay.

Cho đến nay, các chương đã được hoàn thành liên quan đến thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại; các quy định về thể chế; các tiêu chuẩn, quy định thương mại và quy trình đánh giá sự phù hợp; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và hợp tác kinh tế và kỹ thuật,…

Thách thức đối với ASEAN

Tuy nhiên, thương mại điện tử lại là một vấn đề khác của RCEP, khi lĩnh vực này liên quan đến quy định về việc truyền tải dữ liệu xuyên biên giới giữa các quốc gia.

Theo Tạp chí The Diplomat, các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả ASEAN, là những bên thực hiện quy tắc chứ không phải là những người tạo ra quy tắc trong các thỏa thuận lớn thế hệ mới. Điều này dẫn đến việc các quốc gia đang phát triển bị mắc kẹt trong các mối quan hệ kinh tế toàn cầu mới, và cũng bị loại khỏi quá trình định hình các quy tắc và chính sách kỹ thuật số toàn cầu.

Qua đó, điều quan trọng là các thành viên ASEAN phải có thời gian và sự linh hoạt để xác định và phát triển các khuôn khổ pháp lý quốc gia và khu vực phù hợp, có thể thúc đẩy công nghiệp hóa kỹ thuật số một cách riêng lẻ trong sự liên kết.

Những khuôn khổ này có thể bao gồm các quy tắc về ràng buộc chuyển giao công nghệ và yêu cầu tiết lộ mã nguồn, nhằm khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và các nhà cung cấp nội địa; yêu cầu bảo vệ dữ liệu và nội địa hóa dữ liệu, liên doanh, và sử dụng cơ sở địa phương để phát triển năng lực nội địa; đào tạo lực lượng lao động công nghệ thông tin lành nghề; cũng như những cam kết hỗ trợ tài chính cho phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và tạo điều kiện cho thương mại điện tử.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ The Diplomat, The Nation & Business World)