Cách đây chưa đầy một năm, đoạn mương nằm sát bên chợ Phường Đúc (đường Bùi Thị Xuân) được địa phương đầu tư nạo vét, xây bờ kè kiên cố để phục vụ thoát nước mưa, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư và khu vực chợ ra sông Hương. Trong quá trình xây dựng bờ kè, mở rộng đoạn mương này, phường Phường Đúc đã kết hợp nâng cấp, chỉnh trang lại một số khu vực kinh doanh của chợ, đồng thời bố trí một dãy hàng rào sắt sát bờ kè với mục đích chính là để tạo vách ngăn an toàn. Những đoạn hở còn lại không thể ngăn được tình trạng xả rác trực tiếp xuống mương của chị em tiểu thương. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, đoạn mương dài chưa tới 100m nối từ đường Bùi Thị Xuân ra tiếp giáp mép bờ sông Hương đã bồng bềnh đủ loại rác, dòng nước đen ngòm vì nước khó lưu thông.

Chỉ sau một thời gian được chỉnh trang, mở rộng, đoạn mương sát chợ Phường Đúc đã ngập trong rác

Bác S. trông giữ xe ở chợ Phường Đúc ngao ngán: "Hôi không thể chịu nổi. Mới sạch, đẹp được vài bữa, giờ đã đen điu, ngập rác, thật quá lãng phí tiền của Nhà nước. Chính vì rác dày đặc, nước khó lưu thông, ứ đọng nên mùi hôi càng ngày càng kinh khủng, nhất là về mùa hè".

Không chỉ có đoạn mương kể trên mà hầu như ở các địa phương từ thành thị đến nông thôn, hễ ở đâu có họp chợ cạnh nơi có dòng chảy như kênh, mương, sông, hói... đều bị rác chợ "bủa vây", gây ô nhiễm nguồn nước, mất mỹ quan.

Sông Phổ Lợi đoạn từ chợ Mai về chợ Nọ thuộc 2 xã: Phú Thượng và Phú Dương (Phú Vang) từng là đoạn sông ô nhiễm do tình trạng bèo, rác ngập kín lòng sông. Theo những người dân sống dọc sông Phổ Lợi thuộc xã Phú Thượng, trước đây, đoạn sông Phổ Lợi gần khu vực chợ Mai luôn ngập rác. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, do chợ Mai tạm thời di dời đến vị trí khác để nâng cấp xây dựng lại chợ, nên lượng rác thải ra sông Phổ Lợi giảm so với trước. Anh P.H., thôn Tây Kỳ Nhơn (Phú Thượng, Phú Vang) cho biết: Dù chợ tạm thời không hoạt động tại vị trí cũ, nhưng lượng rác còn lưu cữu cộng với bèo lục bình tại một số đoạn sông vẫn khá dày đặc. Có thời gian bà con ở đây cùng nhau vớt bèo, vớt rác, nhưng vẫn không thể vớt hết được. Giờ một số đoạn rác vẫn còn nổi lềnh bềnh "nhìn không được mắt".

Ngược lên dòng sông An Cựu, tuy rác đã giảm bớt đôi ba phần, nhưng đoạn chảy qua 2 chợ Bến Ngự và An Cựu vẫn còn nhếch nhác vì rác chợ, rác sinh hoạt vẫn được đổ xuống sông mỗi ngày. Để giữ sạch môi trường cho sông An Cựu nói riêng và bộ mặt cảnh quan đô thị nói chung, đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường phải tăng tần suất thu gom, vớt rác trên những đoạn sông này nhiều hơn so với những khu vực khác.

Hiện nay hầu như các chợ đều bố trí xuồng, thùng chứa rác và có người thu dọn vệ sinh môi trường sau mỗi phiên chợ. Nhưng do thói quen tiện đâu vứt đó của một số tiểu thương nên rác ở những đoạn sông này vẫn xuất hiện; chỉ cần vài ba ngày chưa kịp vớt là những đoạn gần chợ đã nhấp nhô rác.

Để chấn chỉnh và khắc phục triệt để tình trạng rác chợ gây ô nhiễm nguồn nước, ngoài tập trung dọn sạch rác trên cạn, các địa phương, ban quản lý chợ cần xây dựng kế hoạch vừa tuyên truyền, vận động kết hợp giải pháp công trình như làm rào chắn ngăn rác tiếp xúc với nguồn nước hoặc bố trí những túi gom rác, "bẫy" rác ngay sát mép mặt nước thường có rác để dễ dàng thu gom mỗi ngày. Đồng thời thường xuyên giám sát, tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân thông qua các kênh tương tác để qua đó gắn trách nhiệm của các tiểu thương trong việc thay đổi thói quen, hành vi để giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài khuôn viên chợ.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên