Bấy giờ, nhiều người vẫn quan niệm rằng, thổ cẩm là chất liệu không phù hợp với thời trang, bởi nó đậm đặc màu sắc của người dân tộc, núi rừng và không hiện đại. Thậm chí, chị còn được bạn bè khuyên không nên dùng chất liệu này vào thời trang, vì ngại nó không có sức thuyết phục. Vậy nhưng chỉ sau một ngày giới thiệu, bộ sưu tập thổ cẩm đầu tiên ấy được bạn trẻ săn tìm và mua hết. Điều đó khiến chị nhận ra rằng, quy luật của thời trang là tìm đến những giá trị mới của thời đại, đồng thời tìm về những giá trị truyền thống.
Dệt zèng A Lưới. Ảnh: PHAN THÀNH
Dệt zèng là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Mỗi tấm vải zèng vừa là vật dụng sinh hoạt, vừa là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền. Họ tự tìm kiếm nguyên liệu phù hợp để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, có họa tiết hoa văn độc đáo. Với kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu và thực thi tất cả những giá trị của chất liệu thổ cẩm, NTK Minh Hạnh cho rằng tỉnh muốn phát triển nguồn nguyên liệu để xây dựng thương hiệu áo dài Huế thì cần thiết phải bảo vệ triệt để những giá trị của zèng.
Ngay lần đầu tiên đến A Lưới, NTK Minh Hạnh đã đề nghị với chính quyền nên kích hoạt zèng ngay tại địa phương, bằng cách cho các em học sinh mặc áo bằng vải zèng vào mỗi sáng thứ hai chào cờ. Đồng thời, mở rộng thợ dệt bằng cách mở các lớp học dệt zèng cho bé gái từ 10 tuổi trở lên. Theo chị, để một chất liệu truyền thống có đời sống bền vững thì phải có thị trường đúng nghĩa. Với chất liệu truyền thống quý như zèng, cần phải có biện pháp mạnh để gìn giữ và phát triển, để zèng không chỉ tồn tại trên danh hiệu mà còn phải góp phần nâng cao đời sống của người thợ dệt.
Đến Huế tham dự Hội thảo Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế, NTK Minh Hạnh tự tin và sang trọng trong trang phục áo dài cách điệu từ chất liệu thổ cẩm. Chị dành nhiều thời gian trò chuyện cùng các nghệ nhân của nghề dệt zèng đến từ phố núi A Lưới. Chị coi zèng là một chất liệu độc đáo, cao cấp và mong muốn zèng có thể gần gũi với nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn qua tà áo dài truyền thống.
“Zèng là một phiên bản sống động nhất do người thợ dệt có thẩm mỹ chăm chút, tỉ mỉ và nhẫn nại dệt đính kèm những hạt cườm. Người Tà Ôi có cảm nhận màu sắc rất hài hòa và mạnh mẽ. Vì thế, khi dệt những tấm vải zèng, họ tạo nên nhiều hoa văn lạ mắt và hợp lý. Tôi không hiểu ngẫu nhiên hay cố ý mà những hoa văn của zèng ngày hôm nay rất hiện đại. Điều cần khắc phục của zèng là chọn dệt từ những loại sợi cao cấp hơn nữa và có nguồn gốc thiên nhiên. Như vậy, zèng sẽ thành một sản phẩm độc nhất và khó có sự cạnh tranh”, NTK Minh Hạnh chia sẻ.
NTK Minh Hạnh và các nghệ nhân dệt zèng nói về chuyện đưa zèng "về phố". Ảnh: THU THỦY
Chứa đựng những giá trị độc đáo riêng có, nghề dệt zèng của A Lưới đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thông qua chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, Thừa Thiên Huế cũng tích cực hỗ trợ A Lưới xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho zèng.
Nghệ nhân Mai Thị Hợp (Giám đốc HTX dệt zèng - thổ cẩm thị trấn A Lưới) rất hào hứng khi cùng NTK Minh Hạnh bàn chuyện đưa zèng lên áo dài. Chị cũng chính là người đã vinh dự hai lần cùng NTK Minh Hạnh đến Nhật và Pháp để giới thiệu về kỹ thuật dệt zèng và giá trị văn hóa của chất liệu thổ cẩm này. Chị vui vẻ: “Chúng tôi ủng hộ và rất mong muốn các nhà thiết kế thời trang đưa zèng lên áo dài. Chúng tôi sẵn sàng dệt những mẫu vải do các nhà thiết kế yêu cầu, miễn là những mẫu ấy thể hiện được tinh thần truyền thống của văn hóa dân tộc”.
Dành nhiều tình cảm cho zèng, nhưng theo NTK Minh Hạnh, với những tấm vải zèng đơn thuần hiện nay nếu lên áo dài thì khó được đại đa số người tiêu dùng đón nhận. Theo chị, zèng là một chất liệu cao cấp nên khi đưa zèng vào những trang phục đời thường, cần đặt zèng đúng vị trí của nó. Zèng có hạt cườm nên hơi nặng, cần kết hợp với những chất liệu nhẹ hơn để cân bằng. Zèng mạnh mẽ với hoa văn màu đen, trắng, đỏ nên dù có kết hợp những khuynh hướng mới của thời đại, nhà thiết kế cũng phải giữ đúng tinh thần này. Và quan trọng nữa, zèng vốn là sản phẩm của núi rừng, của đồng bào thiểu số, các nhà thiết kế cần kết hợp những giá trị mới, hiện đại một cách sáng tạo để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ở nhiều vùng miền khác nhau.
ĐỒNG VĂN