Có rất nhiều ví von nhưng tôi thích nhất vẫn là cách so sánh của ông Tôn Thất An Cựu. Trong bài viết “Chuyện nhà máy nước Vạn Niên”, đăng trên tập san “Ái hữu công chánh” vào năm 2003, ông này cho biết, người Huế bắt đầu dùng nước máy do Nhà nước máy Vạn Niên sản xuất cùng lúc biết thưởng thức rượu Tây do hãng Chaffanjon ở khu phố Tây cung cấp. Cách so sánh nước máy với rượu Tây gợi nên sự tò mò, khiến người ta càng thêm nhớ tới công trình Pháp này trên đất Cố đô Huế.

Nhà máy nước Vạn Niên khởi công xây dựng năm 1909 và hoàn thành vào năm 1911, chậm hơn rất nhiều so với Nhà thương Huế hay Trường Quốc Học, những công trình tiêu biểu dưới thời thuộc Pháp. Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều người đã nói đến sự khó tính của người Pháp. Thế nhưng, cũng nhờ thế mà hồi đó, Huế đã có một nhà máy nước đầu tiên độc đáo, mang dáng vóc của một ngôi chùa nhỏ phương Đông với 5 trụ biểu, mái ngói âm dương và các đầu hồi uốn cong, môtíp của các đình làng. Toàn bộ công trình kiến trúc của một nhà máy công nghiệp nằm hài hoà cùng với cảnh quan hết sức thơ mộng của vùng thượng lưu sông Hương.

Hai mươi năm trước, ngay sau khi Huế vừa hứng chịu cơn đại hồng thủy 1999, có dịp ghé thăm Nhà máy nước Vạn Niên, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp khác lạ của công trình. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, với một tấm lòng yêu Huế thiết tha, với một sự trân trọng văn hóa Huế tuyệt vời, kiến trúc sư Bossard mới thiết kế được kiến trúc nhà máy nước Huế đẹp như thế. Còn có thể nhiều người vẫn còn hoài nghi khi biết rằng, kiến trúc sư tài ba Brossard đã thiết kế Nhà máy nước Vạn Niên giống như một cái chùa kia là vì Tòa Khâm sứ Trung kỳ Pháp không muốn một nhà máy nước của phương Tây làm mất vẻ đẹp cổ kính của lăng Tự Đức cách đó không quá 1 cây số (!).

Mới đây tham dự buổi gặp chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 110 năm Nhà máy nước Vạn Niên, tôi được biết bản thiết kế về công trình cùng nhiều tài liệu có liên quan được tìm thấy tại một trung tâm lưu trữ ở Pháp và Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế đã quyết định bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để sao chụp nhằm phục vụ cho việc trưng bày và hơn thế, vào mục đích phát triển và mở rộng dự án cấp nước sau này. Hơn 100 năm đã trôi qua nhưng những bản thiết kế vẫn được giữ gìn cẩn thận một cách có văn hóa, với bút tích và những nét vẽ rõ ràng, đem tới cho người xem một cảm giác gần gũi và trân trọng.

Trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh chi tiết xây dựng Nhà máy nước Van Niên do nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký năm 2017, bên cạnh các khu chức năng cần có, người ta thấy xuất hiện ở đó khu bảo tồn, bảo tàng nước. Trong thực tế nó cũng đã được xúc tiến hình thành và với Vạn Niên, Huế tự hào là nơi đầu tiên ở Việt Nam sở hữu một bảo tàng nước.

ĐAN DUY