Sau nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng y tế và truyền thông, Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Jakarta Post

Tờ Jakarta Post ngày 13/4 đưa tin, vào tháng trước, khi Liên Hiệp quốc công nhận Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, thông tin này liên tục phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều. Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để đất nước Bắc Âu này – nơi được biết đến là có thời tiết cực kỳ khắc nghiệt và tỷ lệ tự tử cao lại có thể trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Mặc dù các so sánh quốc tế có thể không hoàn toàn chính xác và hoàn hảo, song vào năm 1990, số liệu thống kê chính thức chỉ ra rằng Phần Lan là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao thứ hai thế giới, chỉ sau Hungary.

Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tự tử của quốc gia này đã giảm xuống còn 1/2 so với những gì ghi nhận được vào năm 1990. Kết quả có được một phần lớn nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ trong y tế cộng đồng kéo dài một thập kỷ nhằm cải thiện quá trình điều trị và hỗ trợ cho những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao, cũng như triển khai nhiều hoạt động tích cực để nâng cao trách nhiệm trong các báo cáo truyền thông khi đưa tin về vấn đề nhạy cảm này.

Nói rõ hơn, Giáo sư Timo Partonen thuộc Học viện Nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe và Phúc lợi quốc gia – Phần Lan cho biết, hiện nay, người Phần Lan dễ dàng chia sẻ về bệnh trầm cảm hơn. Nhờ đó, công tác điều trị cũng tiến triển thuận lợi và gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Đặc biệt, nam giới nước này đã sẵn sàng mở lòng chia sẻ nhiều hơn so với trước đây.

Nhờ vào chuỗi những nỗ lực và tiến bộ vượt bậc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng hiện tỷ lệ tự tử của Phần Lan cao thứ 22 thế giới, thấp hơn Mỹ và cao hơn Australia chỉ 1 bậc. Tuy nhiên, xét cho cùng, vẫn có rất nhiều người dân Phần Lan thừa nhận bản thân có nguy cơ trầm cảm cao, đồng thời dễ bị u uất và luôn quan tâm đến sự bàn tán của người khác.

Trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), người dân Phần Lan được hưởng chất lượng của cuộc sống, an ninh và dịch vụ công cộng tượng đối cao. Đồng thời, tỷ lệ bất bình đẳng và nghèo đói cũng thấp nhất.

Trong bài khảo sát được Liên minh châu Âu (EU) thực hiện vào năm 2018, 86% người dân Phần Lan được hỏi cho biết họ hài lòng với khả năng cân bằng cuộc sống, cao hơn so với mức trung bình 78% của EU.

Một dữ kiện khác có liên quan, kể từ khi Phần Lan góp mặt vào danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới của Liên Hiệp quốc, hội đồng du lịch nước này đã chọn nhà vật lý trị liệu Petri Honkala và 7 người Phần Lan khác làm “người hướng dẫn hạnh phúc” cho khách du lịch.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)