Tính toán sơ bộ ban đầu của các chuyên gia và từ các viện nghiên cứu, nếu Việt Nam giảm xuất khẩu 10% từ thị trường này thì tăng trưởng cũng có thế giảm tương ứng 1%. Dẫn những điều này để thấy rằng, dễ hiểu vì sao ở thời điểm này, câu chuyện về việc phụ thuộc và làm thế nào để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả nguồn cung và cầu vẫn đang là vấn đề nóng trên các diễn đàn.

Không thể thờ ơ, và có lẽ cũng không thể mơ hồ khi nghĩ rằng, đó là những vấn đề mang tính vĩ mô, chỉ diễn ra ở các công trình lớn, do nhà nước và thuộc nhà nước quản lý. Nhìn công nghiệp dệt may của tỉnh – vốn có kim ngạch xuất khẩu được xếp ở top đầu trong 4 nhóm hàng chủ lực trên địa bàn trong năm 2013, với con số 422,54 triệu USD nhưng kim ngạch nhập khẩu của dệt may Huế cũng đã ở mức 315,56 triệu USD,  chiếm 81,33% so với tổng kim ngạch nhập khẩu của cả năm và đa phần hàng nhập khẩu đều có địa chỉ từ Trung Quốc. Sẽ như thế nào với nguồn nguyên vật liệu nếu ngành dệt may Huế không chủ động hoặc chưa có đối sách hợp lý. Cần nhớ, đầu tiên và trước hết, ngành công nghiệp nhẹ này đang giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 2 vạn lao động.
Ngay trên lĩnh vực nông sản, dù không phải là vựa lúa, vựa rau hay là vùng trọng điểm của cây công nghiệp nhưng ảnh hưởng của nó cũng không hề nhỏ. Mủ cao su giảm mạnh do phải bán cho Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và giá cả do Trung Quốc định đoạt cũng đã ảnh hưởng đến các rừng cao su trên địa bàn. Lạc được mùa nhưng cũng khó bán và rớt giá do sự chững lại trong mua vào của thị trường này cũng làm cho bà con nông dân khó khăn hơn...
Ở đây, rõ ràng là rất cần đến sự hoạch định của các chuyên gia, nhà quản lý...trong việc định hướng một cách bài bản và hiệu quả cho người dân để tránh dần và tránh được sự bất ổn không chỉ ở nguồn nguyên liệu đầu vào nói chung mà ở cả đa dạng thị trường tiêu thụ nông sản nói riêng.
Hạnh Nhi