Phối cảnh dự án Hương An Viên

1. Cùng với lịch sử dựng nước, phong tục thờ cúng tổ tiên trở thành là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền phổ quát của người Việt, là chuẩn mực đạo đức và là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Tín ngưỡng này mang ý nghĩa giản dị: Tổ tiên dù có đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu bằng cách thiêng liêng khác. Với ý nghĩ đó, con cháu luôn tin rằng luôn có tổ tiên dõi theo, phù hộ độ trì và dẫn mình làm điều lành, điều thiện.

Với truyền thống ngàn năm của nền văn minh lúa nước, xã hội cổ truyền của người Việt là mảnh đất thuận lợi để phát triển ý thức dân tộc và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã. Trong bài viết “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bản sắc văn hóa của người Việt” (Đăng trên trang thông tin của Ban Tuyên giáo Chính phủ, www.ttgcp.gov.vn), tác giả Đinh Kiều Nga nhấn mạnh: Vai trò tổ chức liên kết cộng đồng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn rõ hơn khi ta xem xét vấn đề thờ quốc tổ. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi niềm tin chung một cội nguồn “đồng bào”, đều là “con Lạc cháu Hồng”. Khi Hùng Vương được coi là Quốc tổ, ý thức này đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh của dân tộc. Theo tác giả Đinh Kiều Nga, nghi thức tế tự của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt gồm ba bộ phận: tế tự tại gia đình, tế tự tại làng xóm và tế tự quốc gia. Trong hệ thống ấy, với người Việt Nam tự bao đời nay ngày giỗ tổ Hùng vương luôn được coi trọng, đó là sự tưởng nhớ, là sự trở về với cội nguồn của dân tộc: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

“Có thể nói, ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã, trong gia đình và gia tộc. Triết lý cội nguồn trên phạm vi quốc gia ấy cũng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lý luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà, nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh. Chính vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, xâm lược đồng hóa của giặc ngoại xâm”, tác giả Đinh Kiều Nga phân tích.

2. Cố đô Huế nổi tiếng là vùng đất tâm linh của chùa chiền, lăng tẩm. Đó là kết quả quá trình Nam tiến bền bỉ, lâu dài của dân tộc, kể từ sau cuộc hôn nhân lịch sử của công chúa Huyền Trân với vua Champa Chế Mân năm 1306. Nơi miền biên viễn này, người Việt vẫn không quên nguồn gốc tổ tông ở phía Bắc.

Trong “chiếc nôi” Việt Nam, bao đời người dân Huế vẫn gìn giữ được nét đẹp văn hóa trong các nghi lễ cúng tế tổ tiên. Đó là sự tụ họp của con cháu ở mọi nơi về dự lễ cúng kỵ tổ tiên. Ngày ấy, mọi người phải thu xếp công việc có mặt để cùng nhau tưởng nhớ đến ông bà, cũng là dịp để con cháu sum vầy gặp gỡ, gắn chặt quan hệ huyết thống. Theo PGS. TS. Nguyễn Văn Mạnh (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế), tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên luôn thấm sâu trong tâm thức người dân xứ Huế nói riêng. Dù với tâm lí cởi mở, dễ chấp nhận các tín ngưỡng tôn giáo khác, nhưng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, cư dân Huế vẫn luôn coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hơn tất cả mọi tín ngưỡng khác. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vì vậy đã trở thành một thứ đạo hiếu - đạo ông bà, đạo tổ tiên.

Thờ cúng được xem là phần việc vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nên việc xây mộ đối với người Việt nói chung và người Huế nói riêng là vô cùng quan trọng. Việc tìm kiếm đất để xây mộ theo đó cũng rất quan trọng, thường được gia chủ nhờ đến các thầy địa lý hướng dẫn, giúp đỡ.

Trong khảo cứu “Lăng mộ hoàng gia thời Nguyễn tại Huế”, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) thông tin thêm: Các vua Nguyễn về sau đều chọn các địa điểm gần Kinh thành hơn và đều nằm hai bên bờ sông Hương. Các vua Nguyễn coi công việc tìm đất xây lăng mộ hết sức hệ trọng. Hầu hết các lăng đều được chọn lựa vị trí rất công phu. Triều Nguyễn gọi đây là cuộc đất Vạn niên cát địa, nên dốc rất nhiều sức lực để kiếm tìm. Các thầy địa lý, quan lại đại thần giỏi về phong thủy đều được huy động tham gia công việc này. Sau khi chọn được đất quý, đích thân hoàng đế sẽ xem xét, quyết định phê duyệt, đổi tên đất, tên núi cho phù hợp.

Theo quan niệm phong thủy, mộ phần tổ tiên có ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của con cháu. Sắp tới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có công viên nghĩa trang sinh thái quy mô với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án Công viên nghĩa trang tại phường Hương An, TX. Hương Trà, Công ty cổ phần VIF An Lộc đã và đang hoàn thiện, đưa vào sử dụng giai đoạn đầu công viên nghĩa trang Hương An Viên ở vị trí trên. Qua dự án này, người dân trên địa bàn càng có thêm điều kiện để trải nghiệm mô hình nghĩa trang sinh thái rất hiện đại và gần gũi thiên nhiên, thu xếp cho người thân của mình nơi an nghỉ vĩnh hằng như ý.

Bài, ảnh: Thu Thủy