A-Okay Seattle là tên một cuốn sách của Burke Ryan (nhân vật chính trong phim Love happens; đạo diễn Brandon Camp; kịch bản Brandon Camp & Mike Thompson; hãng Universal sản xuất). Khi viết tác phẩm này như một cách chống chọi với nỗi đau mất vợ trong một tai nạn giao thông, B.Ryan đã không hề nghĩ rằng, anh đã thành công đến thế khi được người đọc tìm mua, cũng như tìm đến một cách đông đảo để tương tác, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ; để cùng nhau bước ra khỏi những trải nghiệm tưởng như không thể vượt qua ở mỗi người. Nhiều người trong số họ đã tìm lại được niềm vui, nụ cười và tin yêu cuộc sống.

Nhưng dường như điều đó không phải là điều mà B.Ryan đạt tới. Sâu xa trong tâm khảm của anh là những ẩn ức không biết chia sẻ cùng ai. Và thực ra, đó cũng là cách để B.Ryan trốn chạy chính bản thân mình, trốn chạy những điều mà anh muốn chối bỏ nhưng không thể nào chối bỏ. Chỉ đến khi gặp Eloise – cô chủ của một cửa hàng hoa, mọi thứ mới được đánh thức vì tính cách bộc trực và hồn nhiên của cô; là khi anh được khuyến khích nhìn vào chủ thể là mình để cố gắng thoát khỏi những điều nặng trĩu đã luôn đeo đẳng khiến B.Ryan không dám đối diện với sự thật; không dám gặp lại bố mẹ vợ, kể cả không dám bước chân vào thang máy vì những âm thanh nghe giống như tiếng rít của cú lộn xe trong đêm xảy ra tai nạn khủng khiếp đó. Mấu chốt của Love happens (Tình yêu đến) là khi B.Ryan đã gọi tên chính xác những điều đó, cảm giác đó khi đứng trước mọi người trong một diễn đàn. Đơn giản là lúc đó, trước  những ánh mắt hướng lên từ mọi người, B.Ryan đã không thể làm khác và không thể dối mình thêm một lần nữa. Một trang đời mới cũng đã được mở ra, với sự thông cảm, thấu hiểu, cả tình yêu và sự tin cậy…

Chuyện phim đơn giản là một cách hướng mọi người hãy biết nhìn vào chính mình, sống thật với chính mình và từ đó, biết cách mở lòng để đón nhận những điều mới mẻ.

Tôi đã ngồi im lặng rất lâu khi những hình ảnh cuối cùng đã khép lại. Vẫn biết rằng, phim không phải là cuộc đời nhưng nó cũng là hình chiếu của cuộc đời. Thế nên điều mà tôi tự hỏi là đã có bao giờ, và bao nhiêu lần tự đối diện với chính mình trước những vấn đề của bản thân? Cả những cách ứng xử từ mình, từ người để tìm ra một cách giải quyết vấn đề một cách tốt nhất trong mối tương quan chung?

Không có cái gì là tuyệt đối, nhưng tôi cũng nhận ra rằng, không phải ai cũng là người sống thật, ngay cả với chính bản thân họ. Có những điều được ngụy biện bằng lý do này, lý do kia. Có những điều được đổ lỗi cho khách quan hay một lý do vu vơ nào đó. Có những cái nhìn thiếu thiện cảm, hay bực bội với một ai đó khi người ta không đạt được lợi ích cá nhân trong một môi trường cụ thể nào đó. Và đôi khi, đó cũng là cách từ chối bản thân mình vì mải mang nặng những bức bí không thể nào thoát ra…

Nhìn vào chính bản thân mình nhưng không vì chính bản thân mình. Có lẽ đó là cách mở lòng hay nhất để biết cách chia sẻ và biết cách yêu thương.

An Hà