Các diễn viên chính trong phim
Cái tên Victor Vũ không xa lạ. Anh đã làm nhiều phim hay, đoạt không ít các giải thưởng lớn nhưng được khán giả nhớ đến nhiều lại là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” với bối cảnh là cánh đồng lúa xanh bạt ngàn và khung cảnh nên thơ ở Phú Yên.
Hình như với “Mắt biếc”, Victor Vũ muốn tìm lại vinh quang bằng cái cách mà anh đã từng thành công với bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Cũng là một kịch bản chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và cũng bối cảnh của làng quê Việt ở miền Trung thơ mộng và nắng gió. Khác chăng là với một phiên ảnh khác, làng quê đó giờ ở Huế và Quảng Nam.
Tôi đã nhiều lần về vùng đất này. Hà Cảng là một số ít hiếm hoi những làng quê Huế vẫn còn những nét mộc mạc, giản dị đậm chất làng quê với hình ảnh những con đường đất cùng cánh đồng lúa xanh ngát phù hợp với thời gian những năm 60 - 70 thế kỷ trước của bộ phim này. Nơi đó, ta bắt gặp hình ảnh con đường quanh co đi qua các xóm nhỏ, qua cánh đồng làng vào dịp giêng hai lúa lên xanh rì; con sông quê dịu dàng, lờ lững giữa đôi bờ xóm nhỏ và mái trường tiểu học cộng đồng yêu thương... Đó là khung cảnh hữu tình và đượm buồn, đúng chất “mắt biếc”.
Có thể không đậm đặc như Đà Lạt, nhưng làng quê Huế với khung cảnh thanh bình, nên thơ từng được nhiều đạo diễn ưu ái lựa chọn. Không xa, trong dịp Tết Kỷ Hợi, phim “Trạng Quỳnh” của đạo diễn Đức Thịnh ra mắt khán giả với gần một nửa bối cảnh trong phim được quay ở Huế. Phim bị chê nhiều hơn khen nhưng có điểm cộng duy nhất là những cảnh quay tại xứ Huế thơ mộng. Hay như với dự án “Nàng thơ xứ Huế”, có sự tham dự của người đẹp Ngọc Trân, khán giả đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, an yên của ngôi làng cổ Phước Tích và nhà vườn An Hiên ở làng Kim Long nổi tiếng bên dòng Hương Giang.
Cánh đồng làng
“Mắt biếc” là một trong những truyện dài hay nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nếu bộ phim “Mắt biếc” thành công như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, thì nhiều người và cả tôi nữa đã nghĩ đến và hy vọng về sự lan tỏa vang xa của làng quê Hà Cảng nơi sông Bồ. Trong cái nhìn của những ai có hiểu biết, bộ phim sẽ là cơ hội “vàng mười” cho Hà Cảng nói riêng và du lịch Huế nói chung.
Với làng quê Hà Cảng, hy vọng đó sẽ là điểm đến trong tour du lịch gắn kết với làng nghề đan lát Bao La với điều kiện phục dựng lại nguyên trạng như đoàn làm phim đã cho để quay phim. Hay xa hơn là điểm đến trong hành trình khám phá miền sông nước sông Bồ và phá Tam Giang đầy lãng mạn, cùng với những điểm đến kỳ thú, như làng Bác Vọng, Phước Yên một thời vàng son hay Cồn Tộc, Hạ Lang…
Còn với du lịch Huế là cơ hội để phát triển du lịch đồng quê. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực. Sau những giờ làm việc căng thẳng, người ta mong muốn tìm đến chốn bình yên. Đến với du lịch đồng quê là để tận hưởng bầu không khí trong lành, phảng phất hương lúa chín và mở rộng tầm mắt: thăm thú các công trình kiến trúc nghệ thuật, tham gia lễ hội làng, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức ẩm thực địa phương. Mỗi ngôi làng ở Cố đô Huế đều mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đặc trưng và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, phong phú.
Trở lại với phim “Mắt biếc”. Mối tình đơn phương và vô vọng mà cậu bé Ngạn dành cho cô bé Hà Lan “mắt biếc” từng khiến bao độc giả thổn thức. Hy vọng, Victor Vũ với phong cách làm phim lãng mạn sẽ thổi một luồng gió mới vào nền điện ảnh nước nhà. Vũ vốn kỹ tính trong lựa chọn bối cảnh. Qua bàn tay nhào nặn của anh, làng quê Việt Nam từng hiện lên tươi đẹp và sống động trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cùng nhiều bộ phim nổi tiếng.
Người dân địa phương theo dõi các cảnh quay
Trong khi bên này sông Bồ, Tứ Hạ chuyển mình trong hành trình đô thị hóa thì ở bên kia sông, làng Hà Cảng nét xưa chưa hề phôi pha. Và, đó là chất liệu để Victor Vũ dựng lại cảnh cũ với con đường làng, năm nào chàng trai Ngạn cùng bạn gái tới trường hay ngôi trường tiểu học cộng đồng Đo Đo, hai chữ “cộng đồng” chỉ xuất hiện trong những năm cuối của cuộc chống chiến tranh đánh Mỹ ở miền Nam, khó quên trong ký ức của những ai xấp xỉ tuổi 60.
Bộ phim “Mắt biếc” kể về cuộc đời của Ngạn, sinh ra ở làng Đo Đo. Lớn lên cùng với Ngạn là cô bạn có đôi mắt tuyệt đẹp tên là Hà Lan. Tình bạn trẻ thơ dần dần biến thành tình yêu thầm lặng của Ngạn. Lớn hơn một chút, cả hai rời làng ra phố. Hà Lan không cưỡng lại được cám dỗ và ngã vào vòng tay của Dũng, một thanh niên nhà giàu, nhưng thiếu đứng đắn. Ngạn đau khổ rất nhiều... Mỗi khi Dũng làm Hà Lan tổn thương, cô lại tìm Ngạn. Hà Lan mang thai, bị Dũng ruồng bỏ. Cô gửi con về cho bà ngoại chăm sóc và đặt tên là Trà Long. Hiểu rõ tình yêu của Ngạn, Hà Lan vẫn không đáp lại vì cô muốn sống theo một lối sống hoàn toàn khác. Bằng tình yêu dành cho Hà Lan, Ngạn hết lòng yêu thương và chăm sóc Trà Long. Trà Long lớn lên trở thành cô giáo trường làng, vô cùng yêu quý Ngạn. Ai cũng nghĩ Trà Long sẽ là sự nối tiếp những gì mà Hà Lan đã bỏ dở thì Ngạn quyết định ra đi vì anh nhận ra rằng, Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan. |
Lê Thục Đan