Rộng khắp, nhiều lứa tuổi, đối tượng và bao gồm nhiều hình thức khác nhau, từ làm vệ sinh đường phố, khu dân cư, thôn xóm, vớt rác trên sông, làm vệ sinh ở chợ truyền thống, đến trồng hoa, trồng cây, lắp thêm bóng đèn chiếu sáng, sắp xếp lại vỉa hè,  hạn chế sử dụng túi ni lông, dùng vật liệu thân thiện để gói hàng…là những điều đang được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Rõ rệt nhất là ở TP. Huế. Đây cũng là phong trào nhận được sự hưởng ứng đông đảo nhất, lâu nhất và hiện vẫn nhận được sự tham gia của người dân.

Tiêu chí sáng, xanh, sạch là một đích đến, tạo được sự kết nối rộng rãi của cộng đồng. Mặt khác, đây cũng là một cách làm hay, mỗi người tham gia đóng góp phần mình và cùng làm sạch, làm đẹp môi trường và vùng đất mà mình sinh sống. Hay nói một cách khác đi, đó là hành động chung cùng mọi người và vì mọi người. Trong cái chung có cái riêng và mọi người đều được hưởng lợi từ chính những việc làm hữu hiệu đó. Đương nhiên là lợi ích sẽ được tăng thêm vào các hoạt động văn hóa, du lịch - những điều vốn dĩ không thể thấy được ngay, nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi lựa chọn của lượng khách đến thông qua cảm quan và chia sẻ. Do vậy, việc nhân rộng mô hình và có thêm nhiều những ngày “Chủ nhật xanh” trên địa bàn đã lan rộng và tạo được hiệu ứng tích cực. Còn có một tiêu chí khác được tỉnh kỳ vọng qua việc thực hiện này là để góp phần hoàn chỉnh, đưa năng lực điều hành của các cấp chính quyền. Nói theo cách của ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì đây cũng là “thước đo năng lực của cán bộ, lãnh đạo, của địa phương, các cấp, ngành…” (Báo Thừa Thiên Huế số 7569 ngày 12/4/2019).

Hiệu quả ban đầu đã rõ, cho dù không phải tất cả đều nhìn cộng đồng trong hoạt động này một cách thiện chí và họ cho rằng, cần phải có một giải pháp căn cơ hơn. Để xây dựng một thói quen, nói đúng hơn là một ứng xử văn hóa tưởng chừng quá đơn giản, đương nhiên là phải thế nhưng lại bị phôi pha, bị lãng quên trong đời sống hiện tại… không phải lại có thể quay trở lại trong ngày một, ngày hai. Cũng đã có không ít những hụt hẫng khi nơi vừa được dọn dẹp lại bị xả rác vô tội vạ; thấy cây mà mình trồng đã bị ai đó nhổ đi; hay chị bán hàng rong tiện tay hất ngay lõi bắp vừa ăn xong xuống sông ngay khi đang ngồi giữa cầu Bến Ngự; một chị phụ nữ ngồi vắt mảy trên yên honda xả miếng giấy ăn xuống đường mà mình vừa thấy sáng nay… nhưng tôi vẫn cứ tin, trước khi có chế tài đối với các hành vi làm ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự lòng lề đường và “bạo hành” với cây xanh, người ta cũng sẽ ngần ngại dần với những việc mình làm bắt đầu không giống ai, đi ngược lại số đông.

Là tôi tin, chúng ta đi mãi, rồi cũng sẽ thành đường.

Bình Nguyễn