Điều này có nghĩa là, Nhà nước sẽ trao quyền tự chủ cho các đơn vị. Trước mắt là một số đơn vị sự nghiệp có thu. Đơn vị đó muốn bộ máy có bao nhiêu người, sử dụng nguồn nhân lực như thế nào cho có hiệu quả là việc của họ. Nhà nước chỉ quan tâm đến phần “đặt hàng” thực hiện các nhiệm vụ mà Nhà nước cần.

Nói là dễ nhưng để thực hiện một cơ chế mới là cả một câu chuyện không hề dễ. Như thực hiện Đề án vị trí việc làm, không phải bây giờ mới có mà đã đặt ra từ nhiều năm trước. Thế nhưng kết quả là tỉnh mới chỉ có 18 đơn vị “mô tả được vị trí việc làm của đơn vị mình” như trên đã nêu.

Ai cũng biết, cách thức quản lý cũ đã có nhiều lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Bộ máy (ở đây chỉ khu biệt lại các đơn vị sự nghiệp) hết sức cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả. Năng suất lao động thấp…Thế nhưng, để có một sự thay đổi lớn thì việc thực hiện không dễ.

Theo tôi, có mấy lý do sau. Đó là bộ máy của chúng ta đã vận hành trong một môi trường bao cấp quá lâu ngày nên sinh ra thụ động, ngại đổi mới. Trong đó bao hàm cả sự quản lý “dễ dãi” và sự đánh giá hiệu suất công việc một cách không thực chất. Nhìn vào kết quả đánh giá bình xét thi đua cuối năm của các đơn vị thì sẽ rõ điều này. Các loại danh hiệu đạt tỷ lệ rất cao, có nơi dường như tuyệt đối. Nhưng thực chất không phải được như vậy.

Cả cán bộ lãnh đạo và nhân viên ngại đổi mới là vì sợ quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Với đội ngũ nhân viên, có không ít người trong bộ máy này nếu xét về thực chất sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc với cơ chế vận hành mới. Đối với người lãnh đạo thì rất nhiều lý do để không làm kiên quyết, như: chi phối bởi tình cảm (sống với nhau đã lâu dài, chưa nói là quan hệ dòng tộc); sống trong một môi trường bao cấp, dễ dãi quá lâu, nể nang, ngại va chạm; và cũng không loại trừ mối quan hệ dính dáng đến lợi ích kinh tế…

Còn có nhiều lý do khác nữa như lý do về thời gian. Môi trường làm việc “nhàn nhã” nên có cán bộ “chân trong chân ngoài”; vừa làm vừa chơi... Đến đây thì tôi tạm đưa ra kết luận, sự trì kéo một cơ chế cũ chính là lợi ích. Thường lợi ích cá nhân bao giờ cũng mạnh mẽ hơn lợi ích tập thể (nói chung cho lợi ích tập thể, cộng đồng, xã hội).

Để xã hội phát triển, chúng ta phải tìm mọi cách để giải quyết câu chuyện lợi ích này, không cho lợi ích cá nhân (không chính đáng) phát triển, mà phải hướng đến thượng tôn lợi ích tập thể.

LÊ PHƯƠNG