Đại diện bộ phận tư vấn tuyển sinh của một trường thuộc ĐH Huế giới thiệu ngành nghề cho thí sinh
Khó đạt hiệu quả cao
TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Thường trực Ban tư vấn tuyển sinh (TVTS) Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, thời gian qua, các trường thành lập tổ hay ban tư vấn, quảng bá tuyển sinh chủ yếu theo cách tổng hợp, huy động nhân sự từ nhiều đơn vị, phòng ban, khoa chuyên môn trong trường. Mỗi trường có một đơn vị đầu mối chủ trì như phòng đào tạo, phòng công tác sinh viên hay phòng khảo thí – đảm bảo chất lượng.
Điểm hay của cách làm này là huy động được nguồn lực của nhiều đơn vị cùng góp sức chuyển tải thông tin của trường, khoa đến thí sinh. Song, hạn chế ở mô hình này là đội ngũ khó chuyên nghiệp và hoạt động mang tính tạm thời, hết mùa tuyển sinh thì nghỉ, không duy trì thường xuyên. Điều này trái ngược với xu hướng truyền thông tuyển sinh hiện nay nên làm liên tục. “Tại trường có tổ TVTS gồm 3 cán bộ kiêm nhiệm công việc khác. Tôi nghĩ mô hình này khó hiệu quả bằng việc có một bộ phận chuyên trách để làm quanh năm”, ThS. Lê Nguyễn Đăng Gioan, Thường trực Tổ TVTS Trường ĐH Nghệ thuật, ĐH Huế trăn trở.
Một số cán bộ làm công tác truyền thông tuyển sinh thừa nhận, do không chuyên trách và còn nhiều công việc khác nên khó có thời gian để làm nhiều hoạt động, chỉ “tròn vai” các nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, mặc dù đội ngũ này đã chọn lọc song thực tế ngoài kinh nghiệm chuyên môn, họ lại hạn chế kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông nên hiệu quả còn giới hạn
Đây là vấn đề đáng trăn trở mà các trường đều thấy. Tuy nhiên, lý do họ chưa thay đổi là vì khó khăn ở khâu nhân sự. Thông thường, đội ngũ cán bộ hành chính nhiều, nếu tuyển thêm sẽ phình đội ngũ ra. Lý do nữa là đội ngũ hiện tại dù chưa đạt tính chuyên nghiệp nhưng ít nhiều vẫn hoạt động hiệu quả nên các trường vẫn muốn duy trì cách sử dụng nguồn lực hiện có.
Thay đổi để cạnh tranh
Hiện nay, không chỉ các ĐH trên thế giới mà các trường ĐH tư thục trong nước cũng đã có đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp và họ làm công tác truyền thông rất tốt. Điển hình như Trường ĐH Đông Á, Duy Tân... Một số trường công lập như Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh... cũng đã có những bộ phận chuyên trách công tác truyền thông tuyển sinh.
Để xây dựng được mô hình này, nhân sự phải tuyển ngoài để đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ, trong mỗi trường chỉ nên có 1 – 2 người cùng tham gia. Theo đại diện Ban TVTS Trường ĐH Kinh tế, muốn thành lập thì cần nghiên cứu điều chỉnh bộ máy tổ chức, đề án vị trí việc làm. “Tôi nghĩ không quá vướng mắc, nếu quyết tâm vẫn làm được và sẽ được phê duyệt. Vấn đề là khi đặt ra có đảm bảo được tính hiệu quả và các vấn đề liên quan, cần phải tính toán kỹ. Ngoài ra, để đầu tư cho hoạt động của đội ngũ này, có thể dựa trên thống kê hằng năm để xác định số lượng tuyển sinh tối thiểu, từ đó có định mức để đầu tư”, đại diện Ban TVTS Trường ĐH Kinh tế nhấn mạnh.
ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, đại diện Ban TVTS Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, đến lúc tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những cơ chế và mở rộng quyền hơn cho các trường để xây dựng mô hình phù hợp. Thông thường, mô hình mới khó được chấp nhận nhưng khi chứng minh được hiệu quả, sẽ được nhìn nhận và đánh giá đúng, đó cũng là xu thế phát triển.
Bài, ảnh: Hữu Phúc