Câu trả lời, theo người viết, không nên ngăn chặn và nếu có muốn ngăn chặn cũng rất khó, theo nghĩa sau: Đầu cơ, hiểu một cách nôm na là đầu tư để chờ đợi một cơ hội nào đó (kiếm lời). Nếu có một người hoặc một nhóm người, một tổ chức nào đó có một nguồn lực tài chính rất mạnh mua gom ào ạt một mặt hàng nào trên thị trường trong một thời gian ngắn (tạo ra lệch pha giữa cung và cầu), hiện tượng này gọi là “găm hàng”, tạo sự khan hiếm trên thị trường. Khi một mặt hàng nào đó khan hiếm, giá có xu hướng tăng cao. Lúc đó người đầu cơ bán ra chốt lời.

Tuy nhiên, đầu cơ không phải lúc nào cũng thắng, nó chứa đựng những rủi ro và không phải lúc nào thị trường cũng diễn ra như đúng suy đoán của nhà đầu cơ. Trên thị trường, không bao giờ vắng những người kinh doanh kỳ vọng, cho nên hiện tượng đầu cơ sẽ mãi mãi tồn tại.

Hiểu theo nghĩa như vậy, chúng ta thấy trên thị trường hiện nay có hiện tượng “đầu cơ” trên hai lĩnh vực: đất đai và cát xây dựng.

Ở một mức độ nào đó, thực ra đây là thị trường thứ cấp mà lý thuyết kinh tế đã đề cập và pháp luật cũng cho phép. Ví dụ ở lĩnh vực nhà ở. Các căn hộ chung cư bán sản phẩm qua từng giai đoạn trong khi sản phẩm chưa hình thành, đây chính là thị trường tương lai. Khi mua bán, sản phẩm chưa có mà nó chỉ được hình thành trong tương lai. Người mua nó có nhiều mục đích. Nếu với mục đích đầu tư kiếm lợi thì bao giờ họ cũng kỳ vọng trong tương lai mặt hàng đó (căn hộ) sẽ lên giá. Họ bỏ ra một nguồn vốn đầu tư trước, khi căn hộ hình thành sẽ bán ra để kiếm lời. Điều này không vi phạm pháp luật và cũng rất khó ngăn chặn được sự kỳ vọng của nhà đầu tư. Điều này không có gì xa lạ trên thị trường căn hộ ở Huế trong thời gian qua.

Đối với thị trường cát xây dựng cũng vậy. Trên thực tế, thời gian qua cát xây dựng trên thị trường Huế lên giá rất cao, nhưng đây chưa chắc là một hiện tượng đầu cơ. Và giả sử như có một doanh nghiệp nào đó có đủ điều kiện về ngành nghề kinh doanh mua tích trữ cát chờ lên giá bán ra thì cũng không thể gọi là đầu cơ. Vì thị trường được chi phối bởi nhiều nhà cung cấp.

Nhưng luật thì định nghĩa hiện tượng đầu cơ lại khác. Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định tội đầu cơ như sau: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính…”. 

Theo luật định thì đầu cơ khác về mặt bản chất như suy nghĩ thông thường nói trên. Điều kiện để xác định tội đầu cơ đó là khi trên thị trường xảy ra những điều kiện khách quan bất khả kháng có thể dẫn đến những khó khăn của nền kinh tế. Lợi dụng tình hình này nhà đầu cơ mua gom hàng hóa, tạo ra sự khan hiếm hoặc khan hiếm giả tạo. Chống nạn đầu cơ chính là Nhà nước phải can thiệp trong trường hợp này.

Theo luật định, tội đầu cơ bị một chế tài không hề nhẹ. Ví dụ như rơi vào những trường hợp bị buộc tội đầu cơ theo luật định: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Trên thị trường đất đai ở Huế trong thời gian qua, theo thông tin báo chí có những nhà đầu tư khi chuyển nhượng thu lợi nhuận “ba trăm phần trăm mà còn tiếc…”. Về cát xây dựng so với trong năm, đến thời điểm này cũng tăng đến cả trăm phần trăm… nhưng nó không được ghép vào tội đầu cơ vì nó tăng giá trong điều kiện kinh doanh bình thường. Có đột biến về giá nhưng hàng hóa không hiếm.

Tuy nhiên, có một điều gì đó đáng nói thì ở chỗ: hai mặt hàng tăng giá phi mã trong thời gian qua (đất và cát xây dựng), chưa hẳn là mặt hàng được điều chỉnh theo quy luật thị trường hoàn toàn mà có thể có sự ảnh hưởng từ chính sách.

Ví dụ như thị trường bất động sản. Nếu Nhà nước quy hoạch và cho phép cùng lúc hàng loạt nhà đầu tư bất động sản tiến hành đồng thời nhiều dự án thì giá nó sẽ khác, vì hàng hóa đồng thời tung ra thị trường nhiều. Nhưng nếu Nhà nước chỉ cho phép “nhỏ giọt”, thì lượng hàng cung ứng trên thị trường sẽ khác và kéo theo giá sẽ khác. Mặt hàng cát xây dựng cũng như vậy. Đó là chưa nói đến một số nhân tố khác, chẳng hạn như quy hoạch. Thường một dự án bất động sản nào đó được thực hiện thì giá đất ở khu vực gần đó (trong dân) sẽ ăn theo giá của dự án. Để hạn chế cung ứng đất ra thị trường, một quy hoạch nào đó sẽ được trùm lên vùng đất trong dân, thế là đã hạn chế được lượng cung ứng đất ra thị trường. Chúng ta vẫn thấy thấp thoáng ở đâu đó hiện tượng này.

Nguyên Lê