Hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) của thủ đô Jakarta, Indonesia băng qua một con đường cao tốc. Ảnh: AFP

Trong một bài báo cáo đến các Bộ trưởng Tài chính ASEAN tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) hồi đầu tháng này, Tập đoàn HSBC, một trong những tổ chức dịch vụ tài chính và ngân hàng lớn nhất trên thế giới đã đưa ra 3 khuyến nghị để hành động với khu vực đang bị ảnh hưởng không cân xứng bởi biến đổi khí hậu và nhu cầu đầu tư tư nhân ngày càng tăng, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách tài trợ cơ sở hạ tầng.

Báo cáo nêu rõ, cần có khoản đầu tư trị giá khoảng 100 nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng bền vững mới trên toàn cầu trong 15 năm tới, bao gồm tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, giao thông bền vững, hiệu quả năng lượng và quản lý chất thải, nhằm đạt các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong một động thái liên quan, Viện Phát triển Bền vững quốc tế, một cơ quan thúc đẩy sự phát triển của con người và sự bền vững môi trường, định nghĩa cơ sở hạ tầng bền vững là sự phát triển của đường xá, các tòa nhà, cơ sở hạ tầng năng lượng và nước với sự cân nhắc cẩn thận đối với các tác động môi trường và xã hội. Nhìn chung, tài sản cơ sở hạ tầng bền vững là carbon thấp, thân thiện với khí hậu và bao trùm xã hội.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng cách cơ sở hạ tầng toàn cầu chỉ ra, 940 triệu người sống không có điện, 663 triệu người thiếu nước uống phù hợp và 2,4 tỷ người không có thiết bị vệ sinh phù hợp, và một con số không thể đếm được của những người không thể tiếp cận cơ hội làm việc và giáo dục do sự vắng mặt hoặc chi phí cao đối với các dịch vụ giao thông vận tải.

3 khuyến nghị

Với tiêu đề “Tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững trong ASEAN”, khuyến nghị đầu tiên của báo cáo dành cho các tổ chức đa phương, nhằm hợp tác trong việc đưa ra “Báo cáo thực hiện cơ sở hạ tầng bền vững” thường niên.

Bởi không có báo cáo chính thức nào để các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân có thể dựa vào để đánh giá tiến bộ và xác định những cơ hội cải tiến hơn nữa trong khu vực ASEAN, báo cáo được đề xuất sẽ cung cấp một danh sách kiểm tra các thực tiễn tốt nhất có thể được xem xét nhằm cho phép việc tài trợ tốt hơn cho cơ sở hạ tầng liên kết bền vững.

Đề xuất thứ 2 nhằm xây dựng Mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN, với việc tạo ra Mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị ASEAN tiềm năng, cung cấp xây dựng năng lực cho các nhà lãnh đạo khu vực công, giúp họ được trang bị tốt hơn để làm việc với khu vực tư nhân, nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng bền vững.

Đề xuất thứ 3 của báo cáo là phát triển Hộp công cụ tài chính hỗn hợp ASEAN, hợp tác với các ngân hàng phát triển và khu vực tư nhân. Hộp công cụ sẽ làm việc với các ngân hàng công nghiệp và phát triển để giới thiệu một cách tiếp cận tài chính tổng hợp, nhằm tập hợp các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận dài hạn.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The ASEAN Post)