Ảnh minh hoạ. Nguồn: Mybloodtypeiscoffee

Việt Nam và Thái Lan đang chứng kiến sự bùng nổ trong thanh toán di động, khi có nhiều người hơn sử dụng ví điện tử để thanh toán hàng hóa và dịch vụ, mà không thông qua trung gian như ngân hàng.

Việt Nam thúc đẩy thanh toán điện tử kể từ năm 2008. Chỉ có khoảng 40% trong số 95 triệu người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi có khoảng 120 triệu thuê bao điện thoại di động, và mạng lưới viễn thông bao trùm khắp cả nước.

Trong đó, các công ty công nghệ thông tin và viễn thông trong nước, bao gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viettel và FPT đã giới thiệu các loại ví điện tử.

Theo một báo cáo gần đây của Công ty PwC, số lượng người thực hiện thanh toán di động tại các cửa hàng ở Việt Nam hiện đang gia tăng nhanh hơn, so với những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động tăng từ 37% trong năm 2018, lên 61% vào năm 2019.

"Các dịch vụ thanh toán di động cũng đang được hoan nghênh rộng rãi, nhất là ở những khu vực mới nổi", báo cáo cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Thái Lan có tỷ lệ sử dụng thanh toán di động lớn nhất trong khu vực, ở mức 67%. Ngân hàng di động đang phát triển mạnh trong cuộc sống của người dân Thái Lan, nhiều người trong số họ không có thẻ tín dụng hoặc sổ ngân phiếu.

Hồi tháng 3 năm ngoái, 4 ngân hàng lớn nhất của Thái Lan, bao gồm Ngân hàng Bangkok, Kasikornbank, Ngân hàng Thương mại Siam, và Ngân hàng Krung Thai đã cắt giảm chi phí cho các chủ tài khoản thực hiện giao dịch qua Internet và di động tại bất kỳ ngân hàng Thái Lan nào. Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ hơn cũng có động thái tương tự.

Những xu hướng này phù hợp với kế hoạch của Chính phủ Thái Lan, nhằm hỗ trợ nền kinh tế dựa vào tiền mặt của đất nước tiến tới không dùng tiền mặt.

Trong khi đó, các quốc gia phát triển hơn trong khu vực, chẳng hạn như Singapore và Malaysia, chứng kiến tỷ lệ thanh toán di động thấp hơn, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ.

Tiền mặt và ngân phiếu vẫn chiếm 40% hoạt động thanh toán của Singapore, trong bối cảnh Singapore có mạng lưới ATM rộng khắp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2017, có hơn 65 máy ATM trên 100.000 người trưởng thành ở Singapore.

Năm ngoái, Chính phủ Singapore tuyên bố hướng đến mục tiêu cắt giảm hơn nữa việc sử dụng tiền mặt và đưa Singapore trở thành quốc gia không ngân phiếu vào năm 2025.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei)