Xuất khẩu gạo đang chịu nhiều tác động từ thị trường Trung Quốc.
Công ty chứng khoán SSI vừa có Báo cáo cập nhật kinh tế Việt nam tháng 3 2019 với tiêu đề "tăng trưởng chậm là động lực để thúc đẩy cải cách".
Theo số liệu từ cơ quan thống kê, GDP quý I tăng 6,79%, mức tăng trưởng thấp nhất 6 quý. Trong đó, đáng lưu ý, nông nghiệp tăng 1,84%, thấp nhất 8 quý trong khi công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,35%, thấp nhất 7 quý.
Chuyên gia của SSI cho rằng, ngành nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 3,76% nhưng nếu so với quý 1 các năm trước đó thì 1,84% vẫn là một con số tương đối cao. Tỷ trọng lúa gạo trong ngành nông nghiệp của Việt nam khá lớn nên những thay đổi về thời tiết hay thị trường xuất khẩu gạo đều có ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành.
Cụ thể, năm 2019 thời tiết thuận lợi hơn nhưng xuất khẩu gạo lại giảm sút. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt nam (chiếm 22% tổng xuất khẩu) và Việt nam cũng là nước cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc (chiếm 46.2% tổng nhập khẩu) nhưng kể từ đầu năm 2018 Trung Quốc đã áp dụng nhiều rào cản làm ảnh hưởng đến việc nhập khẩu gạo từ Việt nam như tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50% hay kiểm soát chặt nhập khẩu gạo tấm.
"Có thể nói các rào cản chính sách từ phía Trung Quốc mới chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt nam chứ không phải do kinh tế Trung Quốc giảm tốc hay đồng nhân dân tệ mất giá", SSI đánh giá.
Một tín hiệu tích cực là giá lúa gạo đã có tín hiệu tạo đáy trong tháng 2 và nhích tăng nhẹ trong tháng 3. Giá lúa trung bình trong tháng 3 là 5.45 nghìn/kg trong khi của tháng 2 là 5.27 nghìn/kg. Trái ngược với Trung Quốc, Philippines lại đang nới lỏng việc nhập khẩu gạo với việc dỡ bỏ quy định hạn mức nhập khẩu đã áp dụng trong 2 thập kỷ, đồng thời mức thuế nhập khẩu gạo từ các nước ASEAN vào Philippines cũng thấp hơn so với các nước khác, 35% so với 50%.
Một thế mạnh khác của nền nông nghiệp là thủy sản tuy không còn phong độ cao nhưng vẫn còn nhiều hy vọng.
Theo SSI, 2 năm 2017 và 2018 có thể coi là giai đoạn “vàng son” của ngành thủy sản khi đạt được tăng trưởng cao cả về sản lượng lẫn giá cả nhờ mở rộng được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, tình hình không còn thuận lợi khi tăng trưởng xuất khẩu thủy sản quý 1/2019 chuyển sang âm -1,4%. Hàng loạt thị trường quan trọng giảm nhập khẩu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Hà Lan trong khi Mỹ tăng trưởng chậm lại.
"Giá nhân công lao động cao khiến sản lượng thủy sản của Trung Quốc tăng chậm, thậm chí giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc với hải sản liên tục tăng là cơ hội cho thủy sản nhập khẩu. Như vậy, rất có thể Trung Quốc cũng đã áp dụng rào cản chính sách với thủy sản Việt nam, tương tự như gạo", SSI cho hay.
Với thị trường EU, theo phân tích, câu chuyện rõ ràng hơn khi EU cảnh cáo “thẻ vàng” với thủy sản của Việt nam từ tháng 10/2017 và liên tiếp 2 lần gia hạn “thẻ vàng” trong năm 2018. Đây có thể coi là một áp lực tích cực để ngành thủy sản Việt nam phải thay đổi theo các chuẩn mực khai thác quốc tế.
Luật Thủy sản được thông qua năm 2017 và có hiệu lực vào 1/1/2019 hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi lớn trong khai thác thủy sản, nhờ vậy mà không chỉ “thẻ vàng” có thể được gỡ bỏ mà hình ảnh và chất lượng thủy sản của Việt nam sẽ lên một nấc mới, hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.
Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt nam nhưng tốc độ xuất khẩu quý 1 chỉ đạt +3.9%. Một nguyên nhân được nhắc đến là do Mỹ đã tăng nhập khẩu vào cuối năm 2018 nên hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm bớt nhập khẩu vào đầu năm 2019. Hiện tại thuế nhập khẩu vào Mỹ đang có chiều hướng thuận lợi cho cả tôm và cá tra nên nhiều khả năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này sẽ khởi sắc hơn trong những quý tới.
Theo Dân trí